Lâm Đồng: Liên kết theo chuỗi để xuất khẩu trái sầu riêng

Đóng chân trên địa bàn thôn 6, xã Lộc An, huyện Bảo Lâm (tỉnh Lâm Đồng), Công ty TNHH Sản xuất thương mại Long Thủy là doanh nghiệp chuyên cung cấp trái sầu riêng cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

Theo ông Võ Huy Long – Công ty TNHH Sản xuất thương mại Long Thủy cho biết, xuất thân từ một nhà nông thuần túy, cùng gia đình trồng sầu riêng từ nhỏ, anh luôn ao ước thành lập công ty chuyên thu mua sầu riêng của bà con trong vùng để cung cấp cho thị trường trong nước và hướng đến thị trường xuất khẩu. Năm 2016, Công ty được thành lập.

Qua tìm hiểu nhu cầu của người tiêu dùng trên thị trường, ông Long nhận thấy, người dân Trung Quốc rất thích ăn sầu riêng, thậm chí xem đây như là vua của các loại quả, ăn sầu riêng có thể đem lại may mắn. Nhận thấy tiềm năng rất lớn từ thị trường Trung Quốc, ông đã quyết định liên kết người dân trong vùng Bảo Lâm nói riêng và các huyện lân cận (Đạ Huoai, Di Linh, Bảo Lộc) để thu mua sầu riêng. Ban đầu, khi Công ty mới thành lập, sản lượng thu mua sầu riêng còn nhỏ lẻ, kích thước và mẫu mã trái sầu riêng không đồng đều nên mỗi tháng Công ty chỉ xuất được 10 công-ten-nơ (1 công-ten-nơ 18 tấn) sang thị trường Trung Quốc, với giá chỉ 40.000 đồng/kg. Tiềm năng của thị trường Trung Quốc là rất lớn nhưng trái sầu riêng của Việt Nam qua Trung Quốc thường bị ép giá, giá không cao bằng hàng Thái Lan, mặc dù chất lượng trái sầu riêng Việt Nam trồng tại vùng đất Lâm Đồng không thua kém gì về chất lượng. Do vậy, đầu năm 2018, ông đã quyết định bay sang Thái Lan để tìm hiểu các doanh nghiệp ở đây sản xuất, sơ chế, chế biến trái sầu riêng bán cho thị trường Trung Quốc. Qua tìm hiểu, học hỏi trực tiếp, ông đã đúc rút được nhiều kinh nghiệm về mẫu mã, hình dáng trái sầu riêng sao cho đáp ứng được thị trường xuất khẩu, cũng như đảm bảo được chất lượng, độ an toàn (dư lượng thuốc bảo vệ thực vật). Từ đó ông đã về nước, liên kết với các hộ dân trồng sầu riêng, khuyến khích, hướng dẫn trực tiếp các nông hộ liên kết cung cấp trái sầu riêng sao cho đạt chất lượng, đáp ứng được thị hiếu của khách hàng.

Qua chuyến đi thực tế đầy bổ ích đó, trong năm 2018, sản lượng sầu riêng của Công ty xuất khẩu sang Trung Quốc không ngừng được tăng lên, giá bán cũng cao hơn trước (60.000 – 70.000 đồng/kg, có lúc 130.000 – 150.000 đồng/kg). Tính riêng trong năm 2018, mỗi tháng Công ty xuất được khoảng 40-45 công-ten-nơ sầu riêng, trung bình đạt 400-450 công-ten-nơ/năm, với giá bán trung bình 70.000 đồng/kg, mang lại doanh thu cho Công ty lên đến hàng trăm tỷ đồng. Nhờ liên kết trực tiếp với hơn 2.000ha sầu riêng của nông hộ, các Tổ hợp tác, Hợp tác xã trồng sầu riêng, với giá ký kết trung bình 40.000 – 50.000 đồng/kg nên đảm bảo nguồn hàng ổn định để Công ty cung cấp cho thị trường. Bên cạnh đó, tại thị trường Trung Quốc, Công ty Long Thủy đã có “chân rết” của mình ở các thành phố lớn như Quảng Đông, Giang Tô, Bắc Kinh, Quảng Châu, Hàn Châu… đứng ra bán hàng nên đầu ra luôn ổn định.

saurieng ldong aad0fad39eab4cd1adcfd28b3ed6b0f0 master

Sầu riêng chuẩn bị đóng thùng xuất khẩu

Đầu ra ổn định nên Công ty luôn tự tin khẳng định có thể bao tiêu hết sản lượng lớn sầu riêng cho bà con nông dân. Tuy nhiên, khó khăn và rào cản lớn nhất của Công ty là việc vận chuyển trái sầu riêng sang thị Trung Quốc chủ yếu bằng con đường tiểu ngạch, không được đi chính ngạch nên chi phí vận chuyển đội lên rất cao, gấp 5-6 lần so với đi chính ngạch. Bên cạnh đó, thủ tục tại hải quan hết sức phức tạp, khi ra đến cửa khẩu mà không có đủ thủ tục, hồ sơ thông quan nên nhiều công-ten-nơ vận chuyển sầu riêng của Công ty không qua được cửa khẩu, không đến được thương lái và người tiêu dùng tại Trung Quốc, buộc phải mang về bán đổ, bán tháo. Không những vậy, từ đầu năm 2019 đến nay, phía Trung Quốc tiến hành kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu thông qua đường tiểu ngạch, yêu cầu sản phẩm để truy xuất nguồn gốc phải được cấp mã số vùng trồng và cấp mã số cơ sở đóng gói nên gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng.

Trước thực trạng đó, hiện Công ty đang phối hợp với các cơ quan ban ngành tại Lâm Đồng xây dựng hồ sơ chứng nhận GlobalGAP, tem truy xuất nguồn gốc, xây dựng hệ thống chuỗi giữa doanh nghiệp với người dân từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, đảm bảo trái sầu riêng đưa ra thị trường đạt chất lượng, an toàn, nhằm giúp doanh nghiệp thuận tiện cho việc xuất khẩu. Bên cạnh đó, vừa qua, Sở Công thương Lâm Đồng đã có văn bản gửi Bộ Công thương đề nghị nghiên cứu, xém xét, đề nghị phía Trung Quốc cho phép nhập khẩu sầu riêng Việt Nam, đồng thời hướng dẫn các thủ tục để doanh nghiệp xuất khẩu chính ngạch qua thị trường này. Bởi vì hiện nay, toàn tỉnh Lâm Đồng có gần 7.000ha trồng sầu riêng với sản lượng đạt khoảng 40.000 tấn/năm, xuất khẩu đang góp phần ổn định đầu ra cho loại trái cây này, tạo thu nhập cho nhiều hộ nông dân.

Tại hội nghị triển lãm, giới thiệu các sản phẩm chương trình OCOP Lâm Đồng diễn ra vào đầu tháng 8/2019, Công ty TNHH Sản xuất thương mại Long Thủy là một trong những đơn vị đại diện huyện Bảo Lâm trưng bày sản phẩm đặc trưng của huyện. Sản phẩm trái sầu riêng và cơm sầu riêng tách vỏ đóng hộp của Công ty được đại biểu tham quan đánh giá rất cao về chất lượng. Hy vọng trong thời gian tới, việc xuất khẩu sầu riêng đã có doanh nghiệp làm đầu tàu, liên kết tốt với nông dân, cần có sự chung tay, hỗ trợ của Nhà nước và các ban ngành liên quan để đưa trái sầu riêng Việt Nam nói chung và Lâm Đồng nói riêng vươn ra thị trường thế giới bằng con đường chính ngạch, tạo nguồn thu nhập bền vững cho người nông dân./.

Văn Thọ

TT Khuyến nông Lâm Đồng

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *