QUY TRÌNH CHĂM SÓC CHO HOA LAN
1/ Kỹ thuật trồng cây hoa phong lan
1.1 Trồng chậu
Chậu trồng có lỗ thoát nước. Nên trồng vào các chậu đất nung sẽ giúp phong lan phát triển tốt hơn. Trước khi trồng hoa, phải rửa sạch chậu. Giá thể trồng chậu thoát nước tốt, ví dụ như: vỏ cây, rêu, xơ dừa, viên đất nung, than,…
Một số lưu ý khi chọn giá thể:
+ Vỏ cây có độ thoát nước tốt và có khả năng chống úng, nhưng có thể bị phân hủy nhanh chóng.
+ Rêu giữ độ ẩm tốt hơn nhưng dễ đóng rêu nên cần thay chậu thường xuyên.
+ Xơ dừa trước khi sử dụng nên ngâm xả chát để làm sạch Tanin và Lignin.
+ Viên đất nung size lớn bạn nên ngâm trong nước cho sạch bụi rồi sử dụng. Loại giá thể này rất khó phân hủy, do đó có thể tái sử dụng bằng cách ngâm với nước trừ nấm để khử sạch bệnh.
1.2 Trồng ghép trên thân cây khác
– Đối với thân cây còn sống:
+ Cần tỉa bớt tán nhánh của thân cây
+ Chỉ ghép hoa phong lan ở phía ánh sáng ban mai chiếu vào (hướng đông)
+ Cách trồng này thích hợp cho hầu hết các giống lan, đặc biệt là lan rừng.
– Đối với thân cây đã chết:
+ Phải cắt thân cây thành khúc ngắn để dễ treo
+ Chọn những cây mục. Sau đó, bóc vỏ đi để phá hủy nơi trú ẩn của côn trùng gây bệnh hại cho phong lan
+ Buộc một miếng xơ dừa vào thân cây để giữ ẩm rồi buộc chằng lên đó gốc
1.3 Trồng thành băng vỏ dừa
Chọn vỏ của những quả dừa già và khô rồi xé thành từng mảnh to bằng nửa bàn tay
– Đặt các mảnh sát nhau thành băng dài trên giàn gỗ/tre và cố định bằng 2 thanh nẹp tre
– Tốt nhất, bạn nên đục một lỗ nhỏ dưới miếng vỏ dừa trước khi trồng để tránh tình trạng úng nước
– Sau 2 – 3 năm nên thay băng vỏ dừa khác vì băng vỏ dừa ban đầu đã rã mục
2/ Cách chăm sóc hoa lan
Hoa lan là cây dễ chăm sóc nếu đảm bảo được các điều kiện thuận lợi cho cây sinh trưởng và phát triển.
2.1 Vị trí đặt
– Đặt chậu gần cửa sổ, nhiệt độ khoảng 16 – 24 độ C, nơi thoáng khí.
2.2 Chiếu sáng
– Thiếu nắng phong lan gặp tình trạng: vươn cao nhưng ốm yếu, lá màu xanh tối, ít nảy chồi, khó ra hoa và nhanh tàn
– Thừa nắng phong lan gặp tình trạng: thấp cây, lá vàng có vết nhăn – khô, mép lá có xu hướng cụp vào, dễ ra hoa sớm nên chất lượng hoa kém và cây kém phát triển
– Nắng quá gắt lá sẽ bị cháy, khô dần rồi chết
Tùy vào loại phong lan và tuổi cây có yêu cầu khác nhau về chiếu sáng. Tốt nhất, nên bố trí vườn theo hướng Tây – Nam để phong lan nhận được ánh sáng đầy đủ nhất
2.3 Phân bón
Khi lan đầy đủ dinh dưỡng cây tươi tốt, ra nhiều hoa, hoa to đẹp và bền. Trong khi thiếu dinh dưỡng lan còi cọc, kém phát triển, không hoặc ít có hoa.
Lan cần 13 chất dinh dưỡng khoáng, thuộc các nhóm đa, trung và vi lượng
– Dinh dưỡng đa lượng gồm đạm (N), lân (P) và kali (K)
– Dinh dưỡng trung lượng gồm lưu huỳnh (S), magie (Mg) và canxi (Ca)
– Dinh dưỡng vi lượng gồm sắt (Fe), kẽm (Zn), đồng (Cu), mangan (Mn), bo (B), molyden (Mo) và clo (Cl)
Phong lan rất cần phân bón chứa đầy đủ 13 nguyên tố dinh dưỡng nhưng không chịu được nồng độ cao. Vì vậy, bón phân cho lan phải thực hiện thường xuyên và tuân theo nguyên tắc
– Thời kỳ sinh trưởng thân lá mạnh cần đạm cao, lân và kali thấp
– Thời kỳ ra hoa cần đạm thấp, lân và kali cao
– Thời kỳ hoa nở cần kali cao, lân và đạm thấp
Tưới nước, bón phân là khâu quan trọng trong chăm sóc hoa lan
Trong đó, nên dùng phân hữu cơ VINA GAP viên chứa đầy đủ các nguyên tố đa – trung – vi lượng dễ hấp thụ, các acid hữu cơ và hệ vi sinh vật phong phú cực kỳ phù hợp cho nhu cầu dinh dưỡng của phong lan.
2.4 Tưới nước
– Nước tưới lan không quá mặn, phèn hay clo và có pH dao động 5 – 6
– Phong lan sẽ khô héo, giả hành teo lại và lá rụng khi thiếu nước. Thừa nước phong lan dễ bị thối đọt gây chết cây, rễ có rong rêu tạo điều kiện thuận lợi cho nấm bệnh phát triển
– Thời điểm tưới thích hợp cho phong lan vào sáng sớm hay chiều mát. Đặc biệt, không tưới vào buổi trưa khi trời đang nắng gắt
– Sau những trận mưa bất thường, nhất là mưa đầu mùa cần tưới lại ngay để rửa bớt các chất cặn đọng lại trên thân lá.
– Tưới phun sương hằng ngày khi độ ẩm dưới 40%, đo độ ẩm bằng dụng cụ đo bán phổ biến trên thị trường.
3/ Phòng trừ sâu bệnh
Lan là cây cũng dễ bị sâu bệnh, nhất là trong điều kiện chăm sóc kém, điều kiện môi trường không thuận lợi. Tùy theo từng loại sâu bệnh mà dùng các loại thuốc thích hợp. Liều lượng và nồng độ phun cần theo đúng hướng dẫn trên bao bì sản phẩm.
3.1. Sâu hại chính
3.1.1. Rệp sáp (Chrysomphalus ficus)
– Triệu chứng: Rệp tiết dịch tạo thành lớp sáp phủ màu trắng như bông mặt trên hoặc mặt dưới lá và trú ngụ trong đó, chích hút nhựa trên lá, cuống lá, làm cho lá bị vàng và hỏng lá.
– Nguyên nhân gây hại là do rệp sáp (Chrysomphalus ficus).Rệp phát sinh, phát triển mạnh vào mùa hè thu thời tiết khô và nắng.
– Phòng trừ: Kết hợp với các đợt cắt tỉa, cắt bỏ cành và lá có rệp để tiêu hủy. Phun thuốc diệt rệpArafat 330WP liều lượng 10-15g/bình 16 lít hoặc phun dầu khoáng như Neem oil hay Spray oil,…làm rệp chết ngạt, hoặc ung thối trứng rệp. Phun vào sáng sớm hoặc chiều mát, không phun khi nắng nóng tới 370C, phun kỹ từ mặt trên, mặt dưới lá, thân cây, bẹ lá và tận gốc rễ, nồng độ phun theo khuyến cáo trên bao bì thuốc. Cách 5-7 ngày phun lại 1 lần, phun liên tục 2-3 lần.
3.1.2. Các sinh vật gây hại (sâu róm, sên, kiến)
Phòng trừ :
+ Vệ sinh chậu, vườn luôn sạnh sẽ, thông thoáng, thường xuyên kiểm tra vườn.
+ Với ốc sên, hoặc sên có thể bắt bằng tay hoặc dùng vôi bột rắc xung quanh chậu hoặc vườn trồng và dưới gầm giàn.
+ Với sâu róm hoặc kiến sử dụng thuốc trừ sâu diệt sâu róm: Selecron 500EC liều lượng 30-40ml/16L, hoặc Reasgant 3.6EC liều lượng 10ml/16L. Sử dụng thuốc diệt kiến.
3.2. Các bệnh hại chính
3.2.1.Bệnh thối nhũn (do vi khuẩn Erwinia spp.)
– Triệu chứng: Lá hay cuống lá có đốm hay vệt màu trắng trong hay phỏng nước từ từ loang to, vết thối nhũn ra và có mùi hôi.
– Nguyên nhân gây bệnh do vi khuẩn (Erwinia spp). Bệnh lây lan nhanh, thường phát sinh khi thời tiết nóng ẩm, tháng 5-8 hàng năm.
– Cách phòng trừ:
+ Cách ly cây bị bệnh
+ Phun thuốc trừ rệp hoặc côn trùng chích hút, diệt môi giới truyền bệnh, tránh lây lan sang cây khác.
+ Hạn chế tưới phun trên lá, giảm độ ẩm, giảm tưới và tránh làm ướt lá.
+ Tăng cường thông thoáng gió cho vườn trồng
+ Với cây bị bệnh, khử trùng dụng cụ cắt, cắt bỏ hết những chỗ bị thối và cắt sâu thêm ít nhất 2cm vào phần còn khoẻ.
+ Bôi dung dịch Steptomicine + Ridomil 68WP đậm đặc vào chỗ cắt để khử trùng, khử nấm.
+ Nếu rễ cây hoặc gốc bị thối nên thay bằng chậu sạch và giá thể mới
3.2.2. Thối rễ (do nấm Fusarium sp.)
– Triệu chứng: bệnh xảy ra khi điều kiện sinh trưởng của cây không lý tưởng: sự thay đổi liên tục giá thể ướt, khô, độ lạnh của giá thể… làm cho lá bị mềm ẻo, mép lá chuyển sang màu vàng, rễ cây có màu nâu, tuy nhiên lõi rễ vẫn giữ nguyên. Rễ và thân nhiễm bệnh sẽ ngả sang màu nâu.
– Nguyên nhân gây bệnh do nấm (Fusarium sp.) gây ra
– Phòng trừ: Vệ sinh đồng ruộng, sử dụng giống sạch, tiêu hủy tàn dư cây bị bệnh, phun Aliette 800 WG: cây con pha 30-40 g/bình 16 lít nước, cây già pha 50g/bình 16 lít nước; hoặc Ridomil Gold 68WG: cây con 30-40 g/bình 16 lít nước, cây già 50-60 g/bình 16 lít nước. Phun 6 bình/1000m2.
3.2.3.Bệnh đốm lá (do nấm Anternaria dianthi)
– Triệu chứng: Mặt trên và mặt dưới lá có những đốm màu nâu xám hoặc nâu đen. Bệnh thường xuất hiện trên lá già và lá bánh tẻ. Bệnh nặng mật độ vết đốm dày và lan sang các lá khác trên cây.
– Nguyên nhân gây bệnh do nấm (Anternaria dianthi), nấm phát triển mạnh trong điều kiện nhiệt độ và ẩm độ cao.
– Phòng trừ:
+ Vào mùa hè che giảm ánh sáng cho phù hợp
+ Thông gió tốt vườn trồng đặc biệt là vào mùa hè
+ Không tưới quá muộn vào buổi chiều tối khiến lá chưa kịp khô
+ Không để mật độ cây quá dày
+ Định kỳ phun phòng bằng một trong các loại thuốc trừ nấm như Ridomil Gold 68WG liều lượng 40-50G/bình 16L, Anvil 5SC liều lượng 16-20ml/bình16L, phun 2 bình/sào BB.
+ Nếu thấy dấu hiệu bệnh phát triển mạnh thì phun 5-7 ngày một lần. Phun liên tục 3-4 lần, khi thấy dấu hiệu bệnh ngừng phát triển thì thôi.