Lúa xuân bón phân hữu cơ, lợi nhuận tăng 15 – 20%, cua cá trở về

img 0467 215952 717

Trong bối cảnh giá phân bón tăng cao, lúa bón phân hữu cơ vẫn cho năng suất 70 – 80 tạ/ha, lợi nhuận tăng 15 – 20%, hệ sinh thái đồng ruộng được phục hồi.

Ngày 3/6, Sở NN-PTNT Ninh Bình tổ chức Hội nghị “Sản xuất giống lúa Hương Bình, nếp Hương, bón phân hữu cơ theo chuỗi giá trị đồng bộ vụ xuân 2022”.

“Sống khỏe” nhờ liên kết chặt chẽ 

Ông Bùi Hữu Ngọc, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông – Khuyến lâm – Khuyến ngư Ninh Bình cho biết: Mô hình sản xuất lúa theo chuỗi giá trị đồng bộ vụ xuân 2022 tại tỉnh Ninh Bình do Công ty TNHH Vật tư nông nghiệp Hồng Quang – Ninh Bình (Công ty Hồng Quang) triển khai tại xã Khánh Trung (Yên Khánh) và xã Yên Nhân (Yên Mô).

Theo ông Đinh Văn Khiêm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Ninh Bình: Phát triển liên kết sản xuất, canh tác an toàn là hướng đi đang được Ninh Bình đang chú trọng hướng tới. Ảnh: Trung Quân.

Theo ông Đinh Văn Khiêm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Ninh Bình: Phát triển liên kết sản xuất, canh tác an toàn là hướng đi đang được Ninh Bình đang chú trọng hướng tới. Ảnh: Trung Quân.

Theo đó, Công ty Hồng Quang liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm lúa giống với HTX Nông nghiệp Kiến Thái, xã Khánh Trung (Yên Khánh) với diện tích 50 ha và nông dân xã Yên Nhân (Yên Mô) với diện tích 100 ha.

Tại xã Khánh Trung, người dân sử dụng 3 giống lúa chất lượng, có tiềm năng năng suất cao do Công ty Hồng Quang cung cấp là DQ11, Hương Bình, nếp Hương. Hiện tại, tất cả các diện tích đều sinh trưởng và phát triển tốt, dự kiến 10 ngày tới sẽ cho thu hoạch.

Người dân khi tham gia vào chuỗi liên kết được công ty tập huấn kỹ thuật, ứng trước vật tư đầu vào, giảm công phơi, rủi ro sau thu hoạch, toàn bộ sản lượng được công ty bao tiêu… Do đó, mức thu nhập tăng 15 – 20% so với sản xuất thông thường.

Chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm lúa thương phẩm được thực hiện bởi Công ty Hồng Quang (cung cấp giống, hỗ trợ kỹ thuật) với nhà máy chế biến lương thực Nam Oanh (Yên Khánh), nhà máy Cúc Phương (Kim Sơn) thu mua sản phẩm của HTX, hộ sản xuất tại xã Khánh Trung (Yên Khánh) với quy mô 100 ha. Loại giống sử dụng là Hương Bình, DQ11, QR1, nếp Hương. Năng suất dự kiến đạt 70 – 80 tạ/ha, sản lượng ước đạt 700 – 800 tấn (lúa tươi).

Các đại biểu thăm mô hình liên kết sản xuất lúa giống trong vụ xuân 2022 của Công ty TNHH Vật tư nông nghiệp Hồng Quang tại xã Khánh Trung (Yên Khánh). Ảnh: Trung Quân.

Các đại biểu thăm mô hình liên kết sản xuất lúa giống trong vụ xuân 2022 của Công ty TNHH Vật tư nông nghiệp Hồng Quang tại xã Khánh Trung (Yên Khánh). Ảnh: Trung Quân.

Hai nhà máy dự kiến thu mua lúa tươi nếp Hương với giá 7.000 đồng/kg; Hương Bình, DQ11 giá 5.500 – 5.700 đồng/kg. Tuy nhiên, giá lúa sẽ được điều chỉnh theo giá thị trường tại thời điểm thu mua để đảm bảo lợi ích của các bên tham gia liên kết.

Hộ nông dân khi tham gia chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa thương phẩm được ứng trước giống, tập huấn kỹ thuật chăm sóc, ổn định đầu ra sản phẩm… Nhờ đó, hiệu quả kinh tế tăng 10 – 20% so với sản xuất thông thường.

Đặc biệt, qua theo dõi, so sánh giữa phương thức mạ khay – cấy máy và gieo thẳng trên giống DQ11 tại xã Khánh Trung cho thấy: Lúa gieo cấy theo phương thức mạ khay, cấy máy sinh trưởng phát triển tốt, đẻ nhánh khỏe, khả năng chống đổ và chịu rét tốt hơn, tỷ lệ sâu bệnh hại thấp, số bông hữu hiệu, hạt chắc trên bông cao. Do đó, năng suất cao hơn lúa gieo thẳng 12 tạ/ha.

Tổng thu nhập của lúa cấy máy cao hơn lúa gieo thẳng 8,4 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, chi phí của lúa cấy máy cao hơn gieo thẳng 3 triệu đồng/ha. Như vậy, khi sử dụng phương thức mạ khay – cấy máy cho hiệu quả kinh tế cao hơn 5,4 triệu đồng/ha so với gieo thẳng.

 

Ông Phùng Văn Quang, Giám đốc Công ty Hồng Quang chia sẻ: Đến nay, Công ty đã liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa giống, lúa thương phẩm với nông dân ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước như Quảng Bình, Quảng Trị, Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình… với sản lượng ước đạt 20.000 – 30.000 tấn/năm.

Khi tham gia liên kết, Công ty sẽ cho hộ sản xuất ứng trước giống, phân bón và khấu trừ khi thanh toán hợp đồng thu mua sản phẩm. Bên cạnh đó, cán bộ của Công ty sẽ thường xuyên hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật canh tác mới. Nông dân được bảo lãnh năng suất vụ xuân 250 kg/sào, vụ mùa 220kg/sào. Sản phẩm đảm bảo chất lượng được Công ty mua tươi tại ruộng với giá cao hơn 1-2 lần giá thị trường tại thời điểm thu mua.

Theo ông Quang, khi liên kết sản xuất cả doanh nghiệp và nông dân đều được hưởng lợi. Đối với doanh nghiệp, khi thực hiện liên kết sẽ chấm dứt được tình trạng không có vùng cung cấp nguyên liệu ổn định, chất lượng, tạo điều kiện nâng cao tỷ suất sử dụng máy móc, chất lượng sản phẩm chế biến. Từ đó, nâng cao giá trị gia tăng và hiệu quả các hoạt động chế biến và tiêu thụ nông sản.

Đối với người sản xuất, được hỗ trợ về vốn, khoa học kỹ thuật, có thị trường tiêu thụ ổn định. Không chỉ vậy, nông dân được nâng cao trình độ sản xuất thông qua các buổi tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất… Từ đó, sự gắn kết giữa nông dân ngày càng bền chặt, tạo cơ sở cho việc cung cấp sản phẩm đủ lớn về số lượng, đồng đều về chất lượng. Bên cạnh đó, nhờ liên kết, nông dân có khả năng xây dựng và quản lý nhãn hiệu tập thể, tiến đến xây dựng thương hiệu, quản lý về chất lượng sản phẩm để gia tăng giá trị, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

Canh tác an toàn giúp gia tăng giá trị sản xuất

Ông Trần Ngọc Tú, Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Liên Phương, xã Yên Nhân (Yên Mô) chia sẻ: Khi tham gia liên kết, Công ty cung cấp giống lúa chất lượng và bao tiêu sản phẩm nên người dân rất phấn khởi, an tâm sản xuất, mở rộng diện tích canh tác để gia tăng thu nhập.

Áp dụng đồng bộ cơ giới hóa, bón phân hữu cơ đã giúp năng suất lúa, lợi nhuận tăng trong bối cảnh sản xuất lúa khó khăn do giá phân bón tăng cao. Ảnh: Trung Quân.

Áp dụng đồng bộ cơ giới hóa, bón phân hữu cơ đã giúp năng suất lúa, lợi nhuận tăng trong bối cảnh sản xuất lúa khó khăn do giá phân bón tăng cao. Ảnh: Trung Quân.

Trước đây, HTX thường tiến hành gieo vãi 100% diện tích, sử dụng toàn bộ phân bón, thuốc BVTV hóa học nên ảnh hưởng đến môi trường, đất canh tác bị chai, bạc màu. Vụ đông xuân 2021 – 2022, khi tham gia liên kết, HTX đã được Công ty Cổ phần GAP Việt Nam cung cấp phân bón hữu cơ theo hình thức trả chậm để sản xuất thử nghiệm.

Qua theo dõi cho thấy: Khi sử dụng phân bón hữu cơ, cây lúa được cung cấp đầy đủ, cân đối dinh dưỡng nên khả năng sinh trưởng, phát triển tốt, đẻ nhánh khỏe, tập trung; bộ lá lúa xanh, dầy và bền đến cuối vụ; thân cây lúa cứng, khả năng chống đổ và kháng chịu sâu bệnh tốt; số dảnh hữu hiệu và tỷ lệ hạt chắc trên bông ca; đất ruộng trở nên tơi xốp hơn; cua, cá trước đây không còn giờ đã sinh sôi với số lượng nhiều…

Trên cơ sở đó, trong vụ hè thu, mùa sắp tới, HTX đã xây dựng kế hoạch mở rộng diện tích sử dụng phân bón hữu cơ, tiến tới toàn bộ diện tích của HTX sẽ sử dụng loại phân bón này.

Ông Đinh Văn Khiêm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Ninh Bình đánh giá: Trong bối cảnh giá vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp tăng cao, thị trường tiêu thụ cạnh tranh gay gắt như hiện nay, việc đẩy mạnh liên kết theo chuỗi giá trị là hướng đi đúng đắn, giúp người dân nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Do đó, việc phát triển liên kết trong sản xuất được ngành nông nghiệp tỉnh Ninh Bình đặc biệt quan tâm và định hướng đẩy mạnh trong thời gian tới.

Hệ sinh thái đồng ruộng đã được phục hồi rất tốt khi áp dụng canh tác theo hướng hữu cơ. Ảnh: Trung Quân.

Hệ sinh thái đồng ruộng đã được phục hồi rất tốt khi áp dụng canh tác theo hướng hữu cơ. Ảnh: Trung Quân.

“Khi chuỗi liên kết lớn mạnh, kết hợp với việc sản xuất theo hướng an toàn, hữu cơ, sẽ giải quyết cùng lúc được nhiều vấn đề: Sản xuất theo hướng an toàn, hữu cơ giúp ngành nông nghiệp phát triển bền vững, giá trị cao; phát triển được sản phẩm đặc sản mang thương hiệu Ninh Bình, phục vụ đắc lực cho hoạt động phát triển du lịch của tỉnh; việc liên kết sản xuất sẽ thuận lợi cho việc áp dụng máy móc, thiết bị hiện đại, giảm áp lực ngày càng già hóa của lực lượng lao động nông nghiệp hiện nay.

Trên cơ sở đó, ông Khiêm bày tỏ mong muốn: Các doanh nghiệp cung cấp giống, thu mua, phân bón hữu cơ, tiếp tục đồng hành cùng địa phương, người dân để nhân rộng mô hình liên kết, sản xuất an toàn ra toàn tỉnh. Bên cạnh đó, xây dựng chính sách liên kết chặt chẽ, rõ ràng để khuyến khích, dẵn dắt nông dân sản xuất hiệu quả”.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *