Bộ trưởng Lê Minh Hoan: ‘Cơn bão’ giá vật tư đầu vào gây ám ảnh

bo nn ptnt se co de an xuat khau nong san ben vung 1833 20211213 301 191144

Cùng với sự đứt gãy chuỗi giá trị các ngành hàng do đại dịch Covid-19 thì ‘cơn bão’ giá vật tư đầu vào gây nỗi ám ảnh đối với ngành nông nghiệp năm 2021.

Hai vấn đề lớn bộc lộ rõ qua đại dịch

Nhìn lại ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn năm 2021, sự kiện nào để lại dấu ấn sâu sắc nhất cho Bộ trưởng?

Có lẽ, nỗi ám ảnh lớn nhất đối với ngành nông nghiệp trong năm qua, đó là sự đứt gãy chuỗi giá trị các ngành hàng do các địa phương thực hiện lệnh giãn cách xã hội và phòng, chống dịch thiếu thống nhất. Thậm chí, nhiều địa phương có sự lúng túng do đại dịch chưa có tiền lệ.

Nỗi ám ảnh thứ hai là “cơn bão” giá vật tư đầu vào, từ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y đều tăng cao. Chính vì giá vật tư tăng cao nên cả giá trị xuất khẩu và nhập khẩu đều tăng. Chúng ta nhập khẩu chủ yếu là vật tư đầu vào trong sản xuất nông nghiệp.

Điều đó nói lên hai điều. Một là, chuỗi cung ứng của nền nông nghiệp thời gian qua chưa được chú trọng, vì chúng ta cắt khúc giữa sản xuất với thị trường. Từ các cơ quan quản lý trung ương đến địa phương chủ yếu là chỉ đạo sản xuất mà chưa quan tâm xúc tiến thị trường, chưa quan tâm đầu tư chuỗi logistics cả trong nước và nước ngoài.

Thứ hai, từ câu chuyện vật tư nông nghiệp tăng giá, chúng ta cũng thấy thế giới sau đại dịch rất chông chênh. Do đứt gãy chuỗi giá trị toàn cầu, nền nông nghiệp sản lượng cao mà chi phí cũng cao.

Bởi vậy, chúng ta phải chấp nhận một thực tế rằng, giá trị gia tăng không tỷ lệ thuận với những con số tăng trưởng về giá trị xuất khẩu nông sản. Thu nhập của người nông dân tưởng chừng như tăng mà nó không tăng tương xứng. Hai vấn đề lớn trên đã bộc lộ rõ qua bối cảnh dịch bệnh Covid-19.

Vậy, đứng trước hai nỗi ám ảnh đó, Bộ NN-PTNT cùng các đơn vị liên quan đã triển khai chương trình hành động gì để tháo gỡ khó khăn cho người sản xuất?

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN-PTNT đã thành lập 2 tổ công tác đặc biệt tại phía Bắc và phía Nam để trực tiếp chỉ đạo sản xuất, kết nối tiêu thụ nông sản.

Tổ công tác 970 tại phía Nam đã phối hợp chặt chẽ với hệ thống phân phối, các địa phương, hợp tác xã và người sản xuất để duy trì chuỗi cung ứng lương thực, thực phẩm, kết nối tiêu thụ nông sản cho 18 tỉnh miền Tây và Đông Nam bộ.

Đây là động thái xử lý tình huống trong đại dịch, nhưng thông qua đó, Bộ NN-PTNT nhìn lại để giải mã câu chuyện vì sao chuỗi cung ứng bị ùn ứ và tìm giải pháp kết nối cho từng loại nông sản của địa phương.

Chúng tôi thấy rằng, thông tin kết nối thị trường trong thời gian qua gần như bị bỏ ngỏ. Qua diễn đàn kết nối nông sản 970, chúng tôi bắt đầu tích hợp thông tin để giảm bớt sự mù mờ. Đây là cơ sở để năm 2022, chúng ta hướng tới một nền nông nghiệp minh bạch về thông tin sản xuất lẫn thông tin thị trường, thông tin phục vụ quản lý chuyên ngành gắn với tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.

Quốc hội “quyết nghị” chứ không “quyết giữ” 3,5 triệu ha đất lúa

Vừa qua, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, Quốc hội quyết nghị giữ hơn 3,5 triệu ha đất trồng lúa đến năm 2030? Có ý kiến cho rằng, không nên để người dân ĐBSCL phải gánh gạo mãi. Là một người dân ở ĐBSCL, ý kiến của Bộ trưởng về vấn đề này như thế nào?

Thứ nhất, phải khẳng định rằng trong quyết nghị của Quốc hội không có cụm từ nào “bắt nông dân phải gánh gạo mãi”. Thứ hai, có nhiều báo giật tít: “Quốc hội quyết giữ 3,5 triệu ha đất lúa”. Nhưng, tít bài đó thiếu một từ, đó là Quốc hội “quyết nghị” chứ không phải “quyết giữ”, hai từ đó hoàn toàn khác nhau.

Khi Quốc hội thông qua quyết nghị giữ 3,5 triệu ha đất lúa, người ta thường nghĩ đến ĐBSCL. Có hai luồng ý kiến trong giới các nhà khoa học, thậm chí có đại biểu nói giảm diện tích đất lúa ổn định ở mức 3,2 triệu là phù hợp.

Nhưng chúng ta nhớ câu này cho chuẩn, đó là trong quy hoạch sử dụng ổn định 3,5 triệu ha đất trồng lúa, bà con được phép sử dụng linh hoạt, để khi cần có thể trồng lúa trở lại, đảm bảo an ninh lương thực.

Thứ hai, chúng ta cũng chưa đưa ra được câu trả lời rằng, nếu giảm diện tích đất lúa thì sẽ chuyển sang trồng gì, nuôi gì? Thực ra, ở Đồng Tháp, Bạc Liêu, Cà Mau, An Giang,… nhiều thửa ruộng trong “sổ đỏ” là đất lúa nhưng bà con đã trồng luân canh, xen canh rau màu, cây ngắn ngày.

Năm 2021, ngành nông nghiệp gặp khó do dịch bệnh Covid-19. Ảnh: Minh Phúc.

Năm 2021, ngành nông nghiệp gặp khó do dịch bệnh Covid-19. Ảnh: Minh Phúc.

Bộ NN-PTNT vừa khuyến khích sản xuất lúa để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, nhưng đồng thời cũng khuyến khích bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng để tạo giá trị gia tăng trên đơn vị diện tích.

Vừa qua, tôi đi ĐBSCL, người ta dành bớt một phần thửa ruộng lúa để đào ao và dẫn nước vào để nuôi cá linh. Bà con chia sẻ, nếu trồng lúa 3 vụ lợi nhuận chỉ được 50 triệu đồng/ha, nhưng chuyển đổi sang mô hình vừa trồng lúa vừa nuôi cá linh thì lợi nhuận gấp 5 lần. Đó chính là mô hình tích hợp đa giá trị trên một đơn vị diện tích, cái quan trọng không phải là sản lượng mà là thu nhập của người nông dân cao hay thấp.

Một lần nữa, xin nhấn mạnh rằng Quốc hội không bắt nông dân trồng lúa mà cho phép sử dụng linh hoạt đất lúa. Năm 2022, Bộ NN-PTNT sẽ chỉ đạo các viện, trường, cơ quan nghiên cứu các mô hình ở địa phương để đánh giá toàn diện hơn, nhất là việc chuyển đổi từ sản xuất lúa ba vụ vùng đầu nguồn miền Tây thành mô hình xen canh, tạo giá trị cao hơn.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, hoạt động xuất khẩu nông sản xuất hiện các rào cản thương mại kỹ thuật do xu thế bảo hộ của các quốc gia, vậy Bộ NN-PTNT đã và sẽ phối hợp với các Bộ, ngành, đơn vị liên quan để tháo gỡ vấn đề này như thế nào?

Năm 2021, một trong những thành công của Bộ NN-PTNT và Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao là giải toả “Lệnh 301” của Mỹ để khép lại vụ điều tra của Chính phủ Hoa Kỳ về khai thác và thương mại gỗ bất hợp pháp của Việt Nam. Nhờ vậy, kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam trong năm 2021 dự kiến sẽ đạt 14,5 tỷ USD.

Trước những đe dọa và rủi ro về thương mại quốc tế, chúng ta cần làm quen với câu chuyện phòng vệ thương mại. Muốn phòng vệ thương mại thì phải bắt đầu từ doanh nghiệp. Tuy nhiên, trước đây doanh nghiệp Việt Nam ít quan tâm đến những quy định của từng thị trường, mà thị trường lại thay đổi rất nhanh.

Bởi vậy, thông qua các Hiệp hội ngành hàng, Bộ NN-PTNT sẽ tăng cường tuyền thông, đưa ra thông báo về những quy định mới kịp thời, đầy đủ đến người nông dân, doanh nghiệp. Thông qua đó chúng ta phát huy tính chủ động, năng động của doanh nghiệp.

Hướng xuất khẩu nông sản đến vòng tuần hoàn bền vững

Năm 2021, dự kiến giá trị xuất khẩu nông sản của Việt Nam cao kỷ lục, đạt khoảng 47,5 tỷ USD. Vậy kết quả đó có bền vững hay không? Bộ NN-PTNT có đặt mục tiêu xuất khẩu nông sản cao hơn năm nay hay không?

Tôi đã đi nhiều nước châu Âu và nhận ra rằng, giá trị xuất khẩu của Việt Nam những năm qua tăng cao nhưng thiếu bền vững, còn mang tính tự phát. Nghĩa là, chủ yếu do sự năng động của doanh nghiệp kết nối với thị trường nước ngoài để đưa hàng sang, chứ chúng ta chưa có đề án chiến lược xuất khẩu bền vững cho từng loại thị trường, kể cả cách thúc đẩy xuất khẩu vào từng thị trường.

Đa phần sản phẩm xuất khẩu của chúng ta sang thị trường nước ngoài là phục vụ người gốc Á sinh sống ở quốc gia đó, chứ chưa thâm nhập vững chắc vào các hệ thống phân phối lớn ở các quốc gia.

Dự kiến giá trị xuất khẩu nông sản của Việt Nam cao kỷ lục, đạt khoảng 47,5 tỷ USD. 

Dự kiến giá trị xuất khẩu nông sản của Việt Nam cao kỷ lục, đạt khoảng 47,5 tỷ USD.

Bởi vậy, mặc dù giá trị xuất khẩu tăng nhanh, nhưng chưa có tính bền vững. Ví dụ, chúng ta thấy giá nhãn, vải thiều trên quầy kệ ở Nhật Bản và Mỹ có giá cao ngất ngưởng, chúng ta cảm thấy vui và tự hào. Nhưng thực ra, chi phí logistics đã chiếm phần lớn rồi.

Xét trên tổng thể, công bằng mà nói, chúng tôi thấy vui vì nông sản của Việt Nam đã được thị trường chấp nhận.

Bộ NN-PTNT đang tham vấn các đại sứ quán, thương vụ nước ngoài, trước mắt là khối EU và Trung Quốc để xây dựng đề án xuất khẩu nông sản bền vững, không để tới mùa vụ chúng ta mới thu gom để xuất khẩu, mà phải khởi tạo được vùng nguyên liệu chuẩn hoá.

Chúng ta phải bắt đầu từ vùng nguyên liệu tại địa phương, người nông dân chuẩn hoá theo quy trình canh tác và sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật phù hợp với yêu cầu của thị trường. Nếu nông sản không sạch thì chế biến cũng không sạch theo. Kể cả sự các doanh nghiệp, đơn vị logistics cũng phải tham gia vào, để tạo ra giá trị cạnh tranh nhiều hơn.

Sắp tới, Bộ NN-PTNT sẽ xây dựng liên minh Hiệp hội của các đơn vị xuất khẩu nông sản và lần đầu tiên có sự tham gia của các doanh nghiệp logistics để phối hợp giảm chi phí trung gian. Chúng tôi đã bàn với các hãng hàng không Bambo Airways và Vietjet Air, cơ bản các doanh nghiệp đồng ý giảm chi phí vận chuyển cho nông sản xuất khẩu.

Khi đề án xuất khẩu nông sản bền vững được triển khai, tôi nghĩ chúng ta không chỉ xuất khẩu được 47 tỷ USD, mà còn cao hơn và vững chắc hơn.

Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Trích Báo nông nghiệp

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *