Cần có hướng dẫn làm rõ chủ thể của các giống được gia hạn lưu hành; quyền hạn của đơn vị được ủy quyền đứng ra làm gia hạn lưu hành…
Vừa qua, Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam (VSTA) tổ chức hội nghị thảo luận và xin ý kiến các cơ quan quản lý nhà nước của Bộ NN-PTNT (Cục Trồng trọt, Vụ Pháp chế, Thanh tra Bộ…) về những bất cập của Luật Trồng trọt sau 2 năm thực hiện và cũng kết thúc giai đoạn chuyển tiếp.
Hàng trăm đại biểu đến từ các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh giống cây trồng các tỉnh phía Bắc, bao gồm các thành viên của VSTA và không là thành viên của VSTA, các chi cục trồng trọt và BVTV một số tỉnh trong khu vực cũng tham dự.
Chủ đề của hội nghị là những bất cập của Luật nhưng suốt cả buổi, câu chuyện chỉ xoay quanh vấn đề gia hạn công nhận lưu hành giống theo quy định của Luật Trồng trọt, nhất là vấn đề quyền của đơn vị đứng ra làm thủ tục gia hạn lưu hành.
Nhiều điểm chưa cụ thể, rõ ràng
Cụ thể, theo quy định tại khoản 1 Điều 85 (quy định chuyển tiếp của Luật Trồng trọt), hiện có khá nhiều giống, chủ yếu là lúa, ngô đã được công nhận giống Quốc gia hơn 10 năm, thậm chí 15 – 20 năm nhưng vẫn còn nhu cầu được tiếp tục sản xuất kinh doanh. Trong số các giống này, nhiều giống cây trồng không bảo hộ quyền tác giả, kể cả giai đoạn đã ban hành Luật Sở hữu trí tuệ; giống thuần, giống lai mà tác giả, cơ quan tác giả bên Trung Quốc cũng không bảo hộ bên Việt Nam…
Những giống này khi chưa thực hiện Luật Trồng trọt được các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh “tự do”. Mặc dù vậy sau khi thực hiện Luật Trồng trọt, một số đơn vị, doanh nghiệp đã đứng ra làm thủ tục gia hạn lưu hành các giống này.
Cụ thể, từ ngày 1 tháng 1 năm 2023, các giống lúa như Q5, Khang dân, Hương thơm 1, Kim cương 90… (gọi là nhóm giống lúa thuần nguồn gốc từ Trung Quốc) được Công ty Cổ phần Giống cây trồng Quảng Ninh đứng ra làm thủ tục gia hạn lưu hành (vì các giống này đã được công nhận hơn 10 năm).
Nhóm giống thứ 2 gồm Nếp N97, nếp BM 9603 và CR203, trong đó giống N97 và BM 9603 được lai tạo chọn lọc bởi Viện Cây Lương thực và Cây thực phẩm, giống CR203 có nguồn gốc từ Viện Nghiên cứu lúa Quốc tế (IRRI) có gốc là IR8423 được Viện Bảo vệ thực vật nhập nội và tuyển chọn cũng đã công nhận hơn 10 năm. Có thể nói cả 3 giống này là kết quả của các chương trình, đề tài từ ngân sách nhà nước. Nhóm giống này được các viện ủy quyền cho Công ty Cổ phần Giống nông nghiệp Việt Nam (Vaseed), một đơn vị còn khá “trẻ” trong làng giống làm thủ tục gia hạn lưu hành.
Nhóm thứ 3 là các giống lúa lai được nhập nội từ Trung Quốc, tác giả là cơ quan hoặc cá nhân bên Trung Quốc. Trước khi thực hiện Luật Trồng trọt và chưa có các quy định đầy đủ, các doanh nghiệp được tự do chọn lọc, nhập nội hoặc sản xuất hạt lai F1 cung ứng ra thị trường. Đặc biệt giống lúa lai Nhị ưu 838 được một số đơn vị của Việt Nam duy trì, chọn lọc thành công dòng bố, mẹ (nhị 32A) và dòng phục hồi (dòng B)…
Theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 22 của Luật Trồng trọt về điều kiện của tổ chức, cá nhân sản xuất, buôn bán giống cây trồng: “Có giống cây trồng hoặc được ủy quyền của tổ chức, các nhân có giống cây trồng được cấp quyết định công nhận lưu hành hoặc đã tự công bố lưu hành“.
Tại khoản 1, Điều 31 của Luật Trồng trọt quy định: “Tổ chức, cá nhân đứng tên đăng ký cấp quyết định lưu hành giống cây trồng hoặc tự công bố lưu hành giống cây trồng được quyền lưu hành giống cây trồng hoặc ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác lưu hành giống cây trồng” (khoản này không quy định trường hợp gia hạn lưu hành).
Có thể nói, các văn bản Luật và hướng dẫn Luật Trồng trọt liên quan đến những vấn đề trên vẫn còn không cụ thể, rõ ràng. Cụ thể:
1. Tổ chức, cá nhân được ủy quyền đứng ra làm thủ tục gia hạn lưu hành với những giống đã nói trên (không bảo hộ, giống tuyển, chọn và công nhận sản xuất từ nguồn ngân sách nhà nước, giống lúa lai F1 nhập nội từ Trung Quốc…) phải bỏ ra một khoản tài chính nhất định để làm khảo nghiệm có kiểm soát theo quy định và các chi phí khác liên quan…, và quyền hạn, nghĩa vụ của họ khá mập mờ.
Cụ thể về nghĩa vụ, tại khoản 2 Điều 31 của Luật Trồng trọt về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân đứng tên đăng ký cấp quyết định công nhận lưu hành hoặc tự công bố lưu hành giống cây trồng quy đinh: “Duy trì tính khác biệt và tính đồng nhất, tính ổn định, giá trị canh tác, giá trị sử dụng của giống cây trồng trong quá trình lưu hành…“.
Thật khó và cũng trớ trêu vì những giống không bảo hộ như đã nêu ở trên đâu có kết quả về DUS để so sánh, đánh giá. Thực tế nhưng giống như Q5, Khang dân hay cả Nhị ưu 838 giờ đã khác xưa rồi; N97, 98 cũng thế. Vì vậy những quy định này là khó khả thi.
Còn về quyền hạn, các đơn vị đứng ra làm gia hạn lưu hành (nói rõ hơn là họ gia hạn lưu hành chứ không phải đứng tên quyết định lưu hành), họ được quyền ủy quyền cho các đơn vị khác nếu muốn sản xuất kinh doanh các giống mà họ cũng được ủy quyền, bỏ kinh phí đứng ra làm thủ tục gia hạn lưu hành. Việc ủy quyền cho bên thứ ba này do không có những quy định cụ thể nên cả cơ quan quản lý và doanh nghiệp thực hiện mỗi bên hiểu một kiểu.
Mặt khác (theo quy định tại khoản 1 Điều 22 của Luật Trồng trọt) thì đơn vị được ủy quyền đứng ra làm gia hạn lưu hành cũng đang nghĩ rằng, họ đang là tác giả của giống, bây giờ đơn vị/doanh nghiệp nào muốn sản xuất kinh doanh những giống trước đây đang “tự do” thì bây giờ (từ 1/1/2023) phải xin phép họ, phải đến gặp họ để thảo luận và được họ cho phép làm bao nhiêu, ở đâu, giống siêu nguyên chủng thế nào, và thậm chí giá bán ra sao…, và tất nhiên cũng phải trả cho họ một khoản tiền mà họ đưa ra để thương thảo, khoản này thậm chí không nhỏ. Điều này vô hình trung cũng đã tước đi quyền được sản xuất kinh doanh một số giống nào đó của nhiều doanh nghiệp, trong khi tác giả/chủ sở hữu đích thực của giống thì bỗng nhiên không còn quyền tước gì trong tay.
2. Về văn bản hướng dẫn Luật Trồng trọt (Nghị định 94/2019/NĐ-CP), tại phần Phụ lục tại mẫu số 04.CN: Văn bản đề nghị gia hạn quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng không có mục cụ thể là chủ thể đứng tên công nhận giống cây trồng, văn bản này chỉ được thể hiện tổ chức hoặc các nhân được ủy quyền đứng ra làm gia hạn lưu hành, mặc dù các mục dưới có quy định cụ thể số quyết định công nhận và bản photo quyết định.
Tại mẫu số 07.CN: Quyết định về việc gia hạn quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng cũng thiếu bên được ủy quyền đứng ra làm gia hạn lưu hành, quyết định chỉ ghi “Tổ chức, cá nhân đăng ký lưu hành”. Nếu quyết định ghi tên đơn vị, cá nhân được ủy quyền vào đây sẽ làm sai lệch bản chất của quyết định, điều này được hiểu đơn vị được ủy quyền đứng ra làm gia hạn là “tác giả” của giống. Điều này đang đặt ra câu hỏi, vậy đối với những trường hợp như các viện nghiên cứu ủy quyền, thì viện có còn quyền hạn gì với những giống thuộc “tài sản công” này không?
Theo tham vấn của các chuyên gia về luật thì: Kể cả trong trường hợp ghi đúng nội dung ủy quyền là “Ủy quyền đứng tên đăng ký cấp quyết định lưu hành” thì vẫn không đúng, vì quyết định lưu hành có rồi, có người đứng tên rồi – đó là viện nghiên cứu, còn bây giờ là đi làm thủ tục gia hạn, gia hạn của một cái đã có rồi, không thể làm thay đổi chủ thể được.
Mặt khác, không thể tồn tại một giấy ủy quyền đứng tên trong Quyết định lưu hành vì bản chất việc đứng tên trong quyết định lưu hành thể hiện sự công nhận của Nhà nước về quyền sở hữu đối với tài sản, để chuyển giao quyền này phải thực hiện qua giao dịch chuyển nhượng, mua bán, không thể bằng một giấy ủy quyền không thu phí được.
Những hệ lụy khi gia hạn lưu hành giống và những hướng dẫn không cụ thể:
1. Tốn kém và lãng phí: Trường hợp giống đã được tổ chức sản xuất, chế biến, đóng bao nhưng không được ủy quyền của đơn vị được ủy quyền đứng ra làm gia hạn lưu hành sẽ bị quá vụ, chuyển thành thóc thịt, gây thua lỗ cho doanh nghiệp. Một số giống trong cơ cấu dự trữ quốc gia về giống cũng sẽ bị xáo trộn và ảnh hưởng đến kế hoạch dự trữ quốc gia phòng thiên tai bão lũ.
2. Mất cân đối cung cầu về những giống không bảo hộ còn đang phổ biến dẫn đến rối loạn thị trường giống, tạo sự cạnh tranh không lành mạnh và giá giống tăng cao gây thiệt hại cho nông dân trồng lúa, vốn đã nghèo và thu nhập thấp.
3. Tạo cơ hội cho gian lận, giống giả, giống kém chất lượng tuồn vào thị trường gây thiệt hại cho sản xuất và nông dân.
Kiến nghị từ các đại biểu dự hội nghị: Cần có hướng dẫn làm rõ chủ thể của các giống được gia hạn lưu hành; quyền hạn của đơn vị được ủy quyền đứng ra làm gia hạn lưu hành, đơn vị đứng tên quyết định lưu hành và gia hạn lưu hành; nghiên cứu sửa đổi Nghị định 94/2019/NĐ-CP một số mẫu ở Phụ lục; đặc biệt minh bạch các thông tin về chi phí của các đơn vị dịch vụ công với thủ tục đánh giá có kiểm soát sâu bệnh hại cho mỗi giống và mỗi vùng sinh thái để khi chia sẻ quyền sản xuất kinh doanh giữa các đơn vị đảm bảo minh bạch, rõ ràng.
Trích báo Nông nghiệp Trung Quân