Những ngày đầu năm 2021, giá gạo xuất khẩu tiếp tục duy trì ở mức cao. Dự báo xuất khẩu gạo sẽ tiếp tục thuận lợi trong những tháng đầu năm nay.
Theo thông tin từ Hiệp hội Xuất khẩu gạo Thái Lan, những ngày đầu năm 2021, giá gạo xuất khẩu loại 5% tấm của Thái Lan và Việt Nam tiếp tục ở mức cao, trên 500 USD/tấn. Cụ thể, giá gạo 5% tấm của Thái Lan hiện ở mức 529 USD/tấn, còn gạo 5% tấm của Việt Nam từ 508-512 USD/tấn.
Như vậy, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã tiếp tục đứng ở mức cao, trên dưới 500 USD/tấn, trong một thời gian khá dài. Điều này trước hết là do nguồn cung gạo hàng hóa ở Việt Nam hiện không có nhiều.
Xuất khẩu gạo của Việt Nam dự báo sẽ tiếp tục thuận lợi trong những tháng tới. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Đến thời điểm này, lúa đông xuân 2020/2021 ở Đồng bằng sông Cửu Long đã bắt đầu có thu hoạch, nhưng diện tích thu hoạch chưa nhiều, mới chỉ khoảng 50 ngàn ha, năng suất bình quân ước đạt 7 tấn/ha, lượng lúa đã thu hoạch vào khoảng 350 ngàn tấn.
Trong tháng 1 và tháng 2/2021, diện tích vụ đông xuân được thu hoạch là 180 ngàn ha, tương đương với khoảng 1,26 triệu tấn lúa. Đến tháng 3, vụ đông xuân ở Đồng bằng sông Cửu Long mới bước vào thu hoạch rộ, với diện tích thu hoạch xấp xỉ 600 ngàn ha.
Trong khi đó, các khách hàng Philippines, châu Phi và nhiều nước khác đang tiếp tục hỏi mua gạo Việt Nam.
Những cơn bão lớn cuối năm 2020 đã ảnh hưởng không nhỏ tới sản xuất lúa và sản lượng gạo ở Philippines. Theo báo cáo tháng 11/2020 của Bộ Nông nghiệp Mỹ, sản lượng gạo niên vụ 2020/2021 của Philippines chỉ vào khoảng 11,7 triệu tấn, giảm hơn 200 ngàn tấn so với niên vụ trước đó. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ gạo của nước này ước tăng thêm 100 ngàn tấn lên mức 14,4 triệu tấn. Tính ra, sản lượng gạo ở Philippines trong năm 2021 có thể thiếu hụt tới 2,7 triệu tấn so với nhu cầu.
Chính vì vậy, trong năm 2020, nước này vẫn tiếp tục phải nhập khẩu gạo với khối lượng lớn. Theo các nguồn tin quốc tế, ông Ariel Cayanan, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Philippines, vừa cho biết, nước này đã dự kiến phải nhập khẩu ít nhất 1,69 triệu tấn gạo trong năm 2021 để đảm bảo có đủ gạo cho người dân và có gạo dự trữ tương đương 90 ngày (đủ cho đến vụ thu hoạch lúa vào tháng 7).
Đó là dự kiến mức nhập khẩu tối thiểu từ Chính phủ Philippines. Còn theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ, trong năm 2021, Philippines sẽ nhập khẩu tới 2,6 triệu tấn gạo.
Cũng theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ, tổng lượng gạo nhập khẩu trên toàn thế giới trong niên vụ 2020/2021 sẽ vào khoảng 44,263 triệu tấn, tăng gần 600 ngàn tấn so với niên vụ 2019/2020. Như vậy, nhu cầu nhập khẩu gạo vẫn đang có xu hướng tăng lên trên toàn cầu. Đây là điều dễ hiểu vì trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, nhiều nước đang có xu hướng tăng tích trữ các loại lương thực, thực phẩm thiết yếu.
Bên cạnh đó, chất lượng gạo Việt Nam được cải thiện đáng kể trong những năm qua nhờ thay đổi cơ cấu sản xuất theo hướng giảm diện tích lúa phẩm cấp thấp, tăng diện tích lúa chất lượng cao, lúa thơm và lúa đặc sản, tiếp tục sẽ giúp cho gạo xuất khẩu giữ được mức giá cao trong những tháng tới.
Mặt khác, cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu gạo từ các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam mới ký kết gần đây, cũng sẽ có tác động tích cực tới xuất khẩu gạo trong năm 2021. Từ tháng 8 đến hết tháng 12/2020, các doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng rất tốt hạn ngạch thuế quan xuất khẩu gạo sang EU theo Hiệp định EVFTA, bằng các hợp đồng bán gạo thơm với giá cao.
Điều này đã góp phần không nhỏ làm tăng giá trị gạo xuất khẩu của Việt Nam trong năm qua và chắc chắn sẽ tiếp tục được phát huy trong năm 2021 này nếu các doanh nghiệp tận dụng được tối đa hạn ngạch thuế quan 80 ngàn tấn gạo xuất khẩu sang EU, trong đó có 30 ngàn tấn gạo thơm.
Trên cơ sở về thị trường, một số doanh nhân ngành gạo cho rằng, xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ tiếp tục thuận lợi trong những tháng đầu năm 2021, thậm chí có thể trong cả năm. Riêng về giá gạo xuất khẩu, nhiều khả năng gạo 5% tấm của Việt Nam sẽ còn duy trì được mức giá cao trên dưới 500 USD/tấn ít nhất là tới khi kết thúc vụ đông xuân 2020/2021.
Việt Nam vẫn xuất khẩu từ 6 – 6,5 triệu tấn gạo
Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Như Cường cho biết, kế hoạch gieo cấy ở cả miền Nam và miền Bắc năm 2020 -2021 không thay đổi so các năm trước. Về cơ bản, diện tích lúa năm 2020 – 2021 vẫn sẽ đạt sản lượng mục tiêu 43 triệu tấn thóc, đủ phục vụ nhu cầu trong nước, chế biến và xuất khẩu. Năm 2021, nếu thị trường thế giới không có biến động lớn, Việt Nam vẫn sẽ xuất khẩu từ 6 – 6,5 triệu tấn gạo.
Cũng theo ông Nguyễn Như Cường, việc gieo cấy vụ đông xuân tại phía Nam hiện đang đúng theo chỉ đạo, kế hoạch của ngành trồng trọt. Vấn đề lo lắng và cần tính toán hiện nay là tại khu vực miền Bắc khi đang trong đợt rét đậm, rét hại kéo dài, nhưng theo lịch thời vụ, bà con miền Bắc sẽ tiến hành gieo cấy vào dịp lập xuân tháng 2 nên hiện cũng chưa có gì đáng lo ngại.
Cục trưởng Cục trồng trọt chia sẻ, trong những năm gần đây, đặc biệt từ năm 2019, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng tốt, hiện đạt trung bình 500 USD/tấn, tiếp tục cao hơn giá gạo Thái Lan và Ấn Độ.
Để có được kết quả này, theo ông Nguyễn Như Cường do ngành nông nghiệp Việt Nam có sự chuyển bị và chủ động từ nhiều năm qua trong chủ trương tái cơ cấu ngành lúa gạo theo hướng giảm giá thành, nâng cao chất lượng, thương hiệu và hiệu quả cũng như chớp được thời cơ theo diễn biến của thị trường thế giới, điển hình như trong đợt dịch Covid-19 vừa qua.
Số liệu Cục Trồng trọt cung cấp vụ đông xuân từ năm 2019 đến 2021 cho thấy, cơ cấu các sản phẩm lúa chất lượng tại Đồng bằng sông Cửu Long đã tăng mạnh theo từng năm.
Cụ thể, vụ đông xuân 2019 – 2020 diện tích lúa chất lượng tại Đồng bằng sông Cửu Long chiếm 45% sang vụ đông xuân 2020 – 2021 tăng lên 48%. Diện tích lúa thơm đặc sản tăng từ 28,5% năm 2019 – 2020 lên trên 31% năm 2020 – 2021; diện tích lúa nếp tăng từ 10,7 lên 11,3% và diện tích lúa trung bình từ 12,6 giảm còn 8,4% trong năm nay.
Theo ông Cường, Việt Nam vẫn cần duy trì diện tích nhất định cơ cấu các giống lúa trung bình bởi nhu cầu còn và khá đa dạng. Tuy nhiên, về cơ bản hiện tại ngành lúa gạo của Việt Nam đã vận hành, sản xuất theo nhu cầu của thị trường nên mặt hàng nào thị trường cần, có triển vọng và mang lại giá trị cao, doanh nghiệp và nông dân sẽ chủ động trong việc lựa chọn giống lúa và phương thức sản xuất phù hợp.
Nguyên Huân
Nguồn: Báo nông nghiệp