Lúa – tôm: Mô hình bền vững, mang lại giá trị kinh tế cao

123

Sau khi thu hoạch lúa, người nông dân sẽ cho nước mặn vào, pha với nước ngọt còn lại để nuôi tôm sú, nuôi cua, nuôi cá…

Việc sử dụng giống lúa ST24 và ST25 vào mô hình lúa - tôm được người nông dân đánh giá cao. Ảnh: Phạm Hiếu.

Việc sử dụng giống lúa ST24 và ST25 vào mô hình lúa – tôm được người nông dân đánh giá cao. Ảnh: Phạm Hiếu.

Giống ST24, ST25 phù hợp với mô hình lúa – tôm

Vượt qua nhiều khó khăn do dịch Covid-19 cũng như giá phân bón liên tục gia tăng, tỉnh Bạc Liêu đã hoàn thành kế hoạch sản xuất lúa trên đất tôm năm 2021 với gần 39.000 ha. Vụ mùa năm 2021, ngoài giống lúa Một bụi đỏ và OM2517, OM 5451 nông dân đã mở rộng sử dụng giống ST24, ST25 với diện tích lên đến gần 10.000 ha. Việc khuyến khích nông dân đưa vào sản xuất giống lúa này, nằm trong chiến lược xây dựng thương hiệu “Lúa thơm-Tôm sạch” của tỉnh Bạc Liêu trong thời gian tới.

Huyện Hồng Dân là địa phương có diện tích lúa – tôm lớn nhất của tỉnh Bạc Liêu với trên 24.000 ha. Tại đây, ông Danh Sa Rây (ấp Kosthum, xã Ninh Thạnh Lợi) có 3 ha đều gieo sạ giống ST24, bởi năm trước làm 1 ha thử nghiệm, lúa trúng mùa, lại bán được giá cao. Song song với sản xuất lúa, ông Danh Sa Rây còn thả nuôi tôm càng xanh trong ruộng lúa. Cả tôm càng xanh và lúa đều đang phát triển tốt, hứa hẹn sẽ lại có một vụ mùa bội thu.

ST24, ST25 là giống lúa có thời gian sinh trưởng đến thu thu hoạch khoảng 90 ngày. Hạt lúa thon dài, vỏ màu vàng lấp lánh, hạt gạo dẻo, mềm, ngon; năng suất bình quân trên đồng đất Bạc Liêu đạt gần 10 tấn/ha. Người nông dân đánh giá lúa – tôm là mô hình sản xuất “thuận thiên” mang lại hiệu quả bền vững.

Sau khi thu hoạch lúa, người nông dân sẽ cho nước mặn vào, pha với nước ngọt còn lại để nuôi tôm sú, nuôi cua, nuôi cá… Đến mùa mưa, độ mặn giảm, bà con sẽ cải tạo đất, trồng lúa kết hợp thả nuôi tôm càng xanh. Thực hiện theo hình thức canh tác này, những năm qua bình quân mỗi ha, năng suất tôm nuôi đạt từ 400 – 500 kg; lúa đạt từ 5,5 – 6 tấn, mang lại lợi nhuận trên 100 triệu đồng/ha.

Trong vụ gieo sạ lúa trên đất tôm năm 2021 này, ông Lê Văn Tính (ấp Chòm Cau, xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân) sử dụng giống ST24. Ông Tính cho biết, trước đây, gia đình ông cũng như nhiều nông dân khác canh tác các giống lúa khác như: OM2517, OM5451, Một Bụi đỏ… nên khi chuyển qua sản xuất giống lúa ST24, ST25, cũng có chút lo lắng vì chưa biết hiệu quả sản xuất ra sao tuy nhiên với sự vận động của chính quyền địa phương, sự hỗ trợ về nguồn giống, hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật của ngành chuyên môn, nhiều nông dân đã quyết định chọn giống lúa này đưa vào sản xuất.

Lúa - tôm là mô hình sản xuất 'thuận thiên' mang lại hiệu quả bền vững. Ảnh: Phạm Hiếu.

Lúa – tôm là mô hình sản xuất “thuận thiên” mang lại hiệu quả bền vững. Ảnh: Phạm Hiếu.

Để mở rộng diện tích gieo sạ lúa trên đất tôm, nhiều địa phương trong tỉnh đã mạnh dạn đầu tư hàng chục tỷ đồng cho hệ thống thủy lợi, thủy nông nội đồng.

Mô hình bền vững, mang lại giá trị kinh tế cao

Tỉnh Bạc Liêu hiện có gần 40.000 ha sản xuất theo mô hình lúa – tôm. Vùng phía Bắc Quốc lộ 1A của tỉnh Bạc Liêu rất lý tưởng để sản xuất các giống lúa thơm có giá trị kinh tế cao, nhất là giống lúa ST24, ST25. Bởi đất mặn là nền tảng quan trọng tạo độ mềm dẻo, thơm ngon cho hạt gạo, sự khác biệt mà những vùng trồng lúa khác không có.

Thực tiễn đã chứng minh, lúa – tôm là mô hình sản xuất ít tác động tiêu cực tới môi trường xung quanh, ít rủi ro, phù hợp với khả năng của đa số nông dân và cho hiệu quả kinh tế khá cao. Khi nuôi tôm, đất trở nên màu mỡ hơn, giúp lúa phát triển mạnh, giảm được chi phí phân bón cũng như thuốc bảo vệ thực vật.

Đặc biệt, sau mỗi vụ tôm, chất mùn bã hữu cơ, vi sinh vật và thức ăn dư thừa của con tôm là nguồn dinh dưỡng rất tốt cho cây lúa. Ngược lại, sau vụ lúa, đất được cải tạo, môi trường thuận lợi nên tôm nuôi mau lớn, ít gặp rủi ro và dịch bệnh.

Bạc Liêu đã quy hoạch vùng lúa – tôm là vùng sản xuất “Lúa thơm-Tôm sạch” và hướng đến sản xuất lúa – tôm hữu cơ. Theo Phòng Nông nghiệp huyện Phước Long, để khuyến khích nông dân nhân rộng giống lúa ST24, ST25, nhà nước hỗ trợ 50% lượng lúa giống, đồng thời làm nhịp cầu nối để doanh nghiệp và nông dân ký kết bao tiêu sản phẩm.

Tỉnh Bạc Liêu hiện có gần 40.000 ha sản xuất theo mô hình lúa - tôm. Ảnh: Phạm Hiếu.

Tỉnh Bạc Liêu hiện có gần 40.000 ha sản xuất theo mô hình lúa – tôm. Ảnh: Phạm Hiếu.

Thị xã Giá Rai, địa phương đầu nguồn nước mặn nhưng lại cuối nguồn nước ngọt, muốn thực hiện mô hình lúa – tôm đã đầu tư gần 50 tỷ đồng để phát triển xây dựng hệ thống thủy lợi trữ nước ngọt. Nhờ vậy, thị xã đã xuống giống lúa vụ sản xuất năm 2021 này lên đến 3.000 ha; trong đó, có gần 400 ha gieo sạ giống lúa ST24, ST25.

Trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã như: Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (tỉnh An Giang), Công ty cổ phần gạo Ông Thọ (Thành phố Hồ Chí Minh), Hợp tác xã Nông nghiệp Vĩnh Cường (tỉnh Bạc Liêu) đã liên kết với nông dân với diện tích gần 5.000 ha.

Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu đã đặt ra mục tiêu đến năm 2025, là mở rộng diện tích sản xuất lúa – tôm lên hơn 43.000 ha. Việc tỉnh Bạc Liêu khuyến khích, hỗ trợ cho nông dân nhân rộng diện tích lúa ST24, ST25 đã mở ra hướng đi mới cho nông dân vùng sản xuất lúa – tôm phía Bắc Quốc lộ 1A của tỉnh.

Cùng với đó, thay đổi phương thức sản xuất theo thân thiện với môi trường đã làm cho sản phẩm lúa ST24, ST25 của nông dân nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn sức khỏe người tiêu dùng. Đây cũng là tiêu chuẩn vàng để sản phẩm lúa gạo của Bạc Liêu có cơ hội vươn xa đến phân khúc thị trường gạo cao cấp, đạt giá trị kinh tế cao.

Trích Báo Nông Nghiệp

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *