Nông nghiệp hữu cơ không còn là khẩu hiệu, mà đang có sự thay đổi thực sự trong nhận thức và lan tỏa hành động của nông dân ở nhiều địa phương.
Theo lời mời của lãnh đạo Sở NN-PTNT Đồng Nai, PGS.TS Nguyễn Minh Châu, nguyên Viện trưởng Viện Cây ăn quả Miền Nam vừa có chuyến đi thăm, khảo sát nhiều nhà vườn, hợp tác xã, trang trại sản xuất theo hướng hữu cơ, có trách nhiệm trên địa bàn tỉnh này. Báo Nông nghiệp Việt Nam đã trao đổi với PGS.TS Nguyễn Minh Châu về những ghi nhận của ông sau chuyến đi nói trên.
Chuyển biến bằng hành động
Nông nghiệp hữu cơ đang ngày càng được xã hội quan tâm, ngành nông nghiệp và nhiều địa phương cũng đang dành các chính sách, chương trình cụ thể cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Qua thực tiễn ở Đồng Nai, ông đánh giá thế nào về việc áp dụng canh tác nông nghiệp hữu cơ của nông dân?
Việc sử dụng phân hữu cơ trong các vườn trồng cây ăn trái ở Đồng Nai không còn là chuyện hiếm. Có nhiều mô hình hay về sử dụng phân hữu cơ như mô hình trồng cam, quýt đường của anh Hà Thắng với diện tích 3 ha ở xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu. Vườn cam, quýt được anh Thắng trồng thưa (các cây cách nhau khoảng 4m) để hạn chế dịch bệnh, vườn được dọn cỏ bằng tay để không phải sử dụng thuốc hóa học.
Khu vườn này đã sử dụng phân hữu cơ từ nhiều năm nay. Trước đây, anh Thắng sử dụng men EM để phân hủy hữu cơ, nay dùng men IMO. Men IMO giúp phân hủy rất nhanh chất hữu cơ để bón vào đất. Vì vậy, Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai đã khuyến khích nông dân sừ dụng IMO từ 3 năm trước. Chế độ bón phân hữu cơ của anh Thắng là một năm dùng phân gà rồi tới một năm dùng phân bò. Bên cạnh đó, anh Thắng còn sử dụng trái chuối thái nhỏ để cung cấp kali, dùng IMO kết hợp với phân cá để cung cấp N cho cây.
Trong việc phòng trị bệnh, anh Thắng rất có kinh nghiệm trong việc sử dụng hỗn hợp gồm gừng, tỏi, ớt và IMO hoặc dùng thuốc trừ sâu sinh học Abamectin để diệt sâu. Nhờ trồng thưa, áp dụng các biện pháp hữu cơ trong việc cung cấp dinh dưỡng và phòng trị bệnh cho cây, các cây cam, quýt trong vườn nhà anh Thắng vẫn đang xanh tốt, khỏe mạnh dù đã khoảng 12 năm tuổi.
Ở HTX bưởi Xuân Đông (xã Xuân Đông, huyện Cẩm Mỹ), bà con đã sử dụng nhiều phân chuồng (bò, dê, gà), không xịt cỏ, hạn chế sử dụng thuốc hóa học (chỉ dùng khi ra bông, thúc trái, 3 tháng trước khi thu hoạch là ngừng sử dụng).
Ngoài các mô hình sử dụng phân hữu cơ tự ủ, nhiều mô hình sử dụng phân hữu cơ sản xuất công nghiệp cũng cho kết quả tốt như vườn sầu riêng của Công ty Dona Techno ở xã Xuân Quế, huyện Cẩm Mỹ. Có thể nói, đây là một vườn sầu riêng rất đẹp.
Hay vườn sầu riêng của ông Nguyễn Thanh Bình ở xã Xuân Bảo, huyện Xuân Lộc. Vườn này chỉ dùng một ít phân hóa học, phần lớn lượng phân còn lại (khoảng 80%) là phân gà hữu cơ nhập từ Nhật Bản kết hợp với phân cá. Nhờ dùng phân gà hữu cơ nên vườn ít bệnh, không thấy có bệnh xì mủ.
Giảm mạnh chi phí sản xuất
Nhiều nơi hiện nay cho rằng làm nông nghiệp hữu cơ khó bởi chi phí, giá thành cao. Thực tiễn ở những nơi đẩy mạnh sử dụng phân hữu cơ trong vườn cây ăn trái ở Đồng Nai mà ông tới, đã cho kết quả cụ thể ra sao, thưa ông?
Trước hết, việc sử dụng phân hữu cơ đã giúp cho nhiều vườn giảm mạnh được chi phí sản xuất. Chẳng hạn, vườn quýt của anh Hà Thắng giảm được 50 – 70% chi phí mua phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Nhiều vườn sử dụng phân hữu cơ khác ở huyện Vĩnh Cửu, nông dân đã tự tổng kết, có mô hình giảm được tới 70% chi phí, những mô hình khác giảm được từ 40 – 50%.
Nhìn chung, từ chuyến đi này, tôi thấy việc bà con giảm được 50% chi phí sản xuất nhờ đẩy mạnh sử dụng phân hữu cơ là khả thi. Bên cạnh đó, ở những vườn sử dụng nhiều hữu cơ, điều thấy rõ là đất đã được cải tạo rất tốt, cây mạnh khỏe hơn, trái cây dù nhìn không đẹp lắm vì không sử dụng các loại thuốc làm đẹp trái, nhưng trái có chất lượng tốt hơn, ăn ngon hơn.
Cũng xin nói rõ thêm là trái cây không đẹp không chỉ do sản xuất theo hướng hữu cơ mà do Việt Nam chưa có khâu đóng gói ngay sau thu hoạch. Như ở Mỹ, Úc…, họ có hệ thống đóng gói sau thu hoạch rất bài bản, giúp cho trái cây được đẹp hơn, bảo quản được lâu hơn.
Nhiều vườn sản xuất theo hướng hữu cơ đạt doanh thu, lợi nhuận rất tốt. Như vườn cam, quýt của anh Hà Thắng, mỗi năm thu hoạch được khoảng 80 tấn trái, dù giá bán chưa cao nhưng vẫn đạt doanh thu khoảng 1,6 tỷ đồng. Vườn sầu riêng của ông Nguyễn Thanh Bình lãi 700 triệu đồng/ha.
Không chỉ ở Đổng Nai, nhiều nơi khác cũng đang có nhiều mô hình trồng cây ăn trái sử dụng nhiều phân hữu cơ. Như ở Lai Vung (Đồng Tháp) nhiều vườn quýt đã tăng cường sử dụng nhiều phân hữu cơ. Hiệu quả thấy ngay là bệnh trên cây quýt giảm hẳn, đất vườn tốt hơn, nông dân giảm được 50% chi phí so với trước đây.
Tín hiệu đáng mừng
Như ông vừa chia sẻ, việc sử dụng nhiều phân hữu cơ trong sản xuất cây ăn trái không chỉ đang ngày càng phổ biến hơn ở Đồng Nai mà còn ở nhiều địa phương khác nữa. Phải chăng đây là một tín hiệu đáng mừng vì nông dân ngày càng quan tâm hơn tới sản xuất theo hướng bền vững?
Ở Đồng Nai bây giờ, đã có nhiều nhà vườn trồng sầu riêng, bưởi đường lá cam, quýt đường… sử dụng nhiều phân hữu cơ tự ủ hay phân hữu cơ sản xuất công nghiệp. Dùng loại phân hữu cơ nào cũng tốt cho việc cải tạo đất, cải thiện sức khỏe cây trồng và chất lượng trái cây.
Nhiều nông dân đã không còn chạy theo năng suất mà quan tâm nhiều hơn tới chất lượng sản phẩm. Có nhà vườn trồng cây có múi ở huyện Vĩnh Cửu, cây được trồng thưa nên ít bệnh, vườn sử dụng nhiều phân hữu cơ. Chủ vườn chấp nhận không thâm canh, năng suất không cao, nhưng trái có chất lượng tốt để bán được giá cao hơn. Nhờ cách làm như vậy, vườn cam, quýt này đến nay đã 20 năm tuổi mà cây vẫn xanh tốt. Trong khi đó, ở ĐBSCL, các vườn cam, quýt trồng không quá 10 năm là đã hỏng, phổ biến chỉ ở mức 6 – 7 năm.
Ở Đồng Tháp, đã có nhiều mô hình ủ rơm rạ làm phân hữu cơ, cũng rất tốt. Còn ở Tây Nguyên, việc ủ phân cá để bón cho cây giờ rất phổ biến. Nông dân Tây Nguyên xuống miền Tây Nam bộ tìm mua những loại cá rẻ tiền về ủ phân. Giờ có những loại men ủ phân hữu cơ rất hay, phân hủy rất nhanh mà không hôi thối.
Nhìn chung, mỗi địa phương, mỗi vùng có những cách sử dụng phân hữu cơ khác nhau, nhưng đều tốt cho cải tạo đất, cải thiện chất lượng cây trồng và giúp nông dân giảm được nhiều chi phí sản xuất. Đặc biệt, nhiều nông dân đã biết tự làm ra men vi sinh để phân hủy hữu cơ. Có những người làm men rất giỏi, rất đáng nể. Nhiều nhà vườn không chỉ biết tự ủ phân hữu cơ mà còn làm các loại thuốc trừ sâu, bệnh bằng những nguyên liệu tự nhiên như tỏi, ớt, gừng…
“Làm hữu cơ hoàn toàn trên cây ăn trái là rất khó, nên việc nhiều nhà vườn ở Đồng Nai cũng như các địa phương khác đã bón nhiều phân hữu cơ trong vườn cây ăn trái là điều rất đáng mừng. Tuy nhiên, cần có những khảo sát, đánh giá cụ thể về hiệu quả kinh tế của các mô hình sử dụng phân hữu cơ so với chỉ dùng phân hóa học trước đây. Chọn một số HTX làm tốt để hỗ trợ, cải tiến mẫu mã trái cây sau thu hoạch và marketing sản phẩm.
Bên cạnh đó, các địa phương cần tổ chức cho nông dân đi tham quan, học tập những mô hình hay về sử dụng phân hữu cơ trong sản xuất. Báo chí cũng cần tìm hiểu, đẩy mạnh truyền thông về cách làm và sử dụng phân hữu cơ ở các nhà vườn.
Trích báo NN SƠN TRANG (Thực hiện)