Sản phẩm nông sản hữu cơ còn mới mẻ, giá thành sản xuất cao, lượng tiêu thụ rất hạn chế… ‘Đầu kéo’ tiêu thụ hạn chế khiến nông nghiệp hữu cơ gặp nhiều khó khăn.
Rào cản giá thành cao
Quảng Ninh là tỉnh có nhiều tiềm năng và lợi thế cả về điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, nguồn lao động dồi dào với nhiều kinh nghiệm để phát triển nông nghiệp hữu cơ. Cùng với đó, tiềm năng của thị trường nội địa đối với sản phẩm hữu cơ còn mới mẻ, khi mức thu nhập của người dân tăng nhanh, thúc đẩy nhu cầu sử dụng thực phẩm an toàn, chất lượng.
Những năm gần đây, Quảng Ninh cũng đã có những tín hiệu tích cực về phát triển nông nghiệp hữu cơ. Các mô hình sản xuất rau hữu cơ đã vận dụng nguyên tắc “6 không”: Không thuốc trừ sâu, không phân bón hóa học, không kích thích tăng trưởng, không chất bảo quản, không sử dụng giống biến đổi gen, không làm đất ô nhiễm.
Ngoài ra, một số trang trại chăn nuôi hữu cơ, dùng đệm lót sinh học từ trấu, mùn cưa và men vi sinh để giữ vệ sinh chuồng trại, dùng giun quế để làm thức ăn cho gia cầm, nuôi cá… Từ năm 2020, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã thực hiện dự án phát triển vùng nuôi rươi thương phẩm kết hợp canh tác lúa hữu cơ với diện tích 90ha tại các địa phương Đông Triều, Uông Bí, Quảng Yên.
Toàn tỉnh hiện có trên 1.000ha sản xuất hàng hóa nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP, 45ha trồng trọt hữu cơ, 28 cơ sở có chứng nhận VietGAP trong lĩnh vực chăn nuôi; 416 cơ sở áp dụng chương trình quản lý chất lượng tiên tiến (GMP, SSOP, HACCP…); 14 vùng trồng cây ăn quả, 5 cơ sở đóng gói quả tươi và 9 công ty xuất khẩu thủy sản đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc; duy trì 16 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn có xác nhận với 59 loại sản phẩm… Dù vậy, các mô hình, dự án trên địa bàn tỉnh mới dừng lại ở mức độ manh mún, nhỏ lẻ, thực hiện từng phần.
Một cán bộ của Chi cục Trồng trọt và BVTV Quảng Ninh phân tích: Nếu so về chất lượng nông sản và lợi ích môi trường thì sản xuất hữu cơ vượt trội hơn cả. Tuy nhiên, rào cản đến từ nhiều yếu tố như nhận thức, thói quen sản xuất cũ của người dân chưa thay đổi. Cùng với đó, việc sản xuất hữu cơ mất nhiều công hơn, chi phí nhiều hơn, giá thành cao hơn so với loại thường, trong khi thị trường luôn yêu cầu sản phẩm rau màu tốt mã, giá rẻ.
Tiêu dùng sản phẩm hữu cơ, còn là tiêu dùng cả những giá trị về môi trường, sức khỏe, ý nghĩa xã hội… mà sản phẩm mang lại. Tuy nhiên, người tiêu dùng hiện nay chưa đánh giá đúng những giá trị kinh tế, xã hội và môi trường mà sản xuất nông nghiệp hữu cơ mang lại. Điều này khiến việc phát triển nông nghiệp hữu cơ tại Quảng Ninh nói riêng và các địa phương khác nói chung hiện đang gặp nhiều khó khăn.
Gánh nặng chi phí chứng nhận
Thói quen sản xuất nông nghiệp lâu nay sử dụng phân bón hóa học, thuốc kích thích tăng trưởng để tăng năng suất và lợi nhuận, trong khi đó sản xuất hữu cơ sử dụng phân bón hữu cơ, canh tác tự nhiên và cho ra sản phẩm sạch. Ngoài ra, người sản xuất còn tốn thêm chi phí rất lớn để được chứng nhận sản phẩm hữu cơ. Chính vì vậy, giá thành của nông sản hữu cơ cao hơn nhiều.
Ông Nguyễn Trung Thành, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Quảng Ninh cho rằng: Nếu người tiêu dùng mong muốn dùng sản phẩm hữu cơ mà giá thành rẻ thì rất bất công cho người sản xuất. Ngoài ra, chính sách thúc đẩy phát triển nông nghiệp hữu cơ ở tầm vĩ mô hiện đầy đủ nhưng chưa thực sự đi vào đời sống; chưa thu hút nhiều nông dân tham gia. Việc tuyên truyền nông nghiệp hữu cơ vẫn còn hạn chế, chưa đủ mạnh để xây dựng được lòng tin với người tiêu dùng.
Sản xuất nông nghiệp theo chứng nhận hữu cơ để có được sản phẩm chất lượng cao, không gây hại đến sức khỏe người tiêu dùng là một hướng đi đúng của nông nghiệp Việt Nam nói chung và của Quảng Ninh nói riêng, nhưng đến nay vẫn chưa giải được bài toán cung – cầu.
Vì vậy, theo ông Thành, để thúc đẩy sự phát triển của nông nghiệp hữu cơ, cần sự hỗ trợ của nhà nước với mức tốt hơn để kích thích nhiều người tham gia hơn. Đồng thời, truyền thông về lĩnh vực này phải đủ mạnh để tạo niềm tin giữa người sản xuất và tiêu dùng.
Đi cùng với đó, cần quảng bá, tập huấn các mô hình mẫu, xây dựng các mô hình theo chuỗi sản xuất đến tiêu thụ; cần nâng cao năng lực của tổ chức chứng nhận về mọi mặt. Ngoài ra, cần xem xét việc xây dựng hoặc thành lập hiệp hội của các chuyên gia đánh giá chứng nhận.
Nông nghiệp hữu cơ nhằm bảo đảm hệ sinh thái bền vững, thực phẩm an toàn, tạo điều kiện cho sự chuyển hóa khép kín trong hệ canh tác, chỉ được sử dụng các nguồn hiện có trong nông trại, các vật tư đạt chuẩn. Mô hình này đang có xu hướng phát triển tại nhiều địa phương, nhưng để có sự bền vững, ổn định cần sự chung tay, góp sức của các cơ quan ban ngành và cơ sở sản xuất.
Khiêm tốn mục tiêu 55ha có chứng nhận
Đầu năm 2022, xác định nông nghiệp hữu cơ là xu hướng sản xuất tất yếu để xây dựng một nền nông nghiệp bền vững, xứng với tiềm năng, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có cuộc họp về đề án “Phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Trên cơ sở đánh giá tiềm năng, thách thức, đề án này đã đề xuất 11 nhóm giải pháp để thực hiện mục tiêu hình thành một số vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên cơ sở lựa chọn sản phẩm nông nghiệp chủ lực, có lợi thế cạnh tranh của tỉnh.
Cụ thể gồm các giải pháp về hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp hữu cơ; phát triển và nâng cao hiệu quả các hình thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng cường liên kết “4 nhà”; đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, công nghệ cao; thông tin tuyên truyền; xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm… Qua đó, nhằm nhân rộng vùng canh tác hữu cơ của tỉnh trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Trung Thành, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Quảng Ninh cho biết, mục tiêu của đề án là phát triển một nền nông nghiệp bền vững và thân thiện với môi trường, nâng cao năng suất và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp. Trong đó, khuyến khích sản xuất các sản phẩm hữu cơ đạt tiêu chuẩn và có chứng nhận.
Ở lĩnh vực trồng trọt, đề án tập trung xây dựng, phát triển các sản phẩm rau, củ, quả, chè, dược liệu, lúa gạo hữu cơ tại các địa phương: Quảng Yên, Vân Đồn, Ba Chẽ, Bình Liêu, Hải Hà… Sau đó, khoanh vùng, thực hiện giai đoạn chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ đối với 55ha sản xuất trồng trọt.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, đề án xây dựng tập trung phát triển sản phẩm gia súc, gia cầm hữu cơ tại Bình Liêu, Tiên Yên, Đầm Hà và Móng Cái, trong đó tăng giá trị sản phẩm chăn nuôi hữu cơ từ 10 đến 15%.
Để thực hiện những mục tiêu của đề án “Phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, Sở NN-PTNT tỉnh này đang tham mưu UBND tỉnh xây dựng các chính sách khuyến khích nông nghiệp hữu cơ như hỗ trợ 100% kinh phí xác định các vùng, khu vực đủ điều kiện sản xuất hữu cơ; hỗ trợ toàn bộ kinh phí cấp giấy chứng nhận sản phẩm.
Theo ông Nguyễn Trung Thành, trước mắt, cần có sự quy hoạch đồng bộ, bài bản. Những khó khăn hiện nay đòi hỏi cần phải có sự vào cuộc tích cực hơn nữa của các cấp, ngành từ trung ương đến địa phương, để từ đó có những giải pháp tốt nhất nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hữu cơ.