Sản xuất nông nghiệp hữu cơ là hướng đi tất yếu của ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung và tỉnh Quảng Ninh nói riêng. Việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật nhằm tạo ra sản phẩm sạch, an toàn, nhiều chất dinh dưỡng, có lợi cho sức khỏe, hạn chế bệnh tật là rất cần thiết. Xuất phát từ đó, Hợp tác xã Nông Trại Xanh kết hợp với công ty Cổ Phần GAP Việt Nam thực hiện chuyển giao kỹ thuật nhằm thay đổi nhận thức, phương thức canh tác theo hướng hữu cơ đến người dân sản xuất.
Vụ mùa 2021, khắc phục những khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid, Công ty GAP tiến hành cung cấp phân bón cho 5 HTX tại Đông Triều – Quảng Ninh trong khuôn khổ dự án canh tác lúa hữu cơ với diện tích 120 ha.
Đồng thời công ty cũng cử cán bộ kỷ thuật phối hợp với UBND xã, Ban quản trị HTX để quản lý, giám sát chặt chẽ việc thực hiện mô hình theo yêu cầu của dự án. Mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ triển khai thực hiện phù hợp với chủ trương của tỉnh, huyện cũng như định hướng chung của ngành nông nghiệp hướng tới và được người dân đồng thuận cao. Quá trình thực hiện mô hình các hộ dân đã áp dụng theo quy trình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ sử dụng giống lúa Bắc Thơm, Đài Thơm, nếp cái hoa vàng có phẩm cấp, năng suất cao, chất lượng tốt.
Anh Dương – chủ nhiệm HTX Bình Dương đã tham gia mô hình cho biết khi canh tác lúa theo hướng hữu cơ sẽ hạn chế rất nhiều tình trạng vỏ chai thuốc Bảo vệ thực vật vứt bỏ tràn lan trên đồng ruộng, mà thay vào đó là ý thức chấp hành quy trình chăm sóc lúa bằng phân hữu cơ của người nông dân đã được nâng lên. “Trong quá trình thực hiện mô hình, từ gieo trồng, chăm sóc đến thu hoạch, tôi và bà con luôn cảm thấy an tâm, không lo sợ độc hại khi đi chăm sóc lúa”.
Trong quá trình sản xuất lúa nếu sử dụng phân vô cơ nhiều năm, không bổ sung phân bón hữu cơ cũng như lạm dụng phân vô cơ sẽ đem lại tác hại như làm gia tăng sự mẫn cảm của cây trồng với các loại bệnh, diệt các tập đoàn vi sinh vật có lợi, làm cho nhiều diện tích đất trồng trọt bị suy giảm độ phì nhiêu, mất cân đối dinh dưỡng trong đất, đất chai cứng, năng suất cây trồng giảm và tăng các chi phí sản xuất, ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe của con người… thì việc áp dụng quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ sẽ làm tăng độ phì nhiêu của đất, tăng chất khoáng và vi sinh vật hữu hiệu cho đất, có tác dụng cải tạo đất rất tốt, nhất là đối với các loại đất đã và đang bị suy thoái. Về lâu dài sẽ giúp khả năng chống chịu sâu bệnh của cây lúa tốt hơn; trong thời kỳ lúa trỗ, ruộng sẽ ít nhiễm rầy, khô vằn, cho bông dài, lúa sạch sâu bệnh, gạo trong, cơm mềm dẻo và có mùi thơm đặc trưng.
Mô hình triển khai đã mang lợi ích nhiều mặt, ngoài hiệu quả kinh tế mang lại mô hình còn có tác động lớn về mặt môi trường – xã hội, và nâng cao, thay đổi nhận thức của cộng đồng.