Trung bình, giá các loại rau hữu cơ cao hơn so với rau truyền thống khoảng 10 nghìn đồng/kg. Tuy nhiên khách hàng ngày càng rất ưa chuộng, sản xuất không đủ nhu cầu.
Anh Nguyễn Đức Chinh, một trong những người sáng lập trang trại cho biết: “Chúng tôi đã trồng rau hữu cơ được 3 năm. Dù không so được về năng suất với rau thâm canh, nhưng sản xuất hữu cơ lại đảm bảo môi trường, sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng”.
Anh Chinh lưu ý, trang trại hữu cơ phải tuân thủ 3 nguyên tắc: Thuận tự nhiên, mùa nào thức ấy, trồng xen, trồng gối…; công nghệ vi sinh vật và yếu tố bản địa”.
Trong đó, đáng chú ý là công nghệ vi sinh đã được ứng dụng rất nhiều trong nông nghiệp. Vi sinh vật rất cần thiết cho cây trồng. Việc dùng vi sinh vật ủ phân, ủ chất dinh dưỡng để tưới lên cây mang hiệu quả cao, tránh gây ô nhiễm đất và môi trường.
“Chúng tôi sử dụng phân chuồng các loại kết hợp với rác (tàn dư thực vật tại trang trại) rồi ủ theo công thức. Mỗi lớp rác phun 1 lớp vi sinh vật lên, sau đó cho 1 lớp phân xen kẽ rồi phun nước. Nếu ủ bình thường thì sau 3 tháng sẽ sử dụng được, còn nếu chịu khó đảo và trộn thì sẽ nhanh hơn. Vi sinh vật sẽ khử mùi, và phân này khi bón cho cây sẽ hạn chế được các loại nấm lở cổ rễ“, anh Chinh chia sẻ bí quyết giúp Trang trại GenXanh “nói không” với các loại thuốc hóa học trong quá trình sản xuất rau hữu cơ.
Còn dung dịch dinh dưỡng được ngâm từ trứng gà, trứng vịt kết hợp với vi sinh vật, phun định kỳ và tuỳ loại rau. Có 2 cách phun dinh dưỡng: Một là trộn trực tiếp vào hệ thống tưới nhỏ giọt đến từng gốc cây. Hai là phun lên lá giúp cây hấp thụ tốt hơn.
Đối với nước tưới, phải được xử lý kỹ: Nước ngầm (nước giếng khoan) được bơm lên bể lọc, qua giàn mưa để các phản ứng hóa học giảm hàm lượng độc tố (nước ngầm thường có hàm lượng sắt, asen cao), rồi đưa sang bể lọc được bổ sung cát, mangan (cát để lọc các loại asen) trước khi chảy vào bể lắng.
Anh Chinh nhấn mạnh: “Để trồng rau hữu cơ hiệu quả thì điều cần thay đổi đầu tiên chính là tư duy của nông dân. Bà con đã quá quen với việc sử dụng thuốc hoá học trong việc sản xuất rau. Cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, tập huấn về tác hại của thuốc BVTV”.
Tại Trang trại GenXanh, nhận thức của người lao động về quy trình trồng rau hữu cơ đã có những thay đổi rõ rệt.
Bà Nguyễn Thị Sang, nhân viên của GenXanh bày tỏ: “Thời gian đầu, chúng tôi thấy mô hình trồng rau hữu cơ ở đây rất lạ, không sử dụng phân đạm, kali…, đặc biệt tuyệt đối không sử dụng thuốc trừ sâu. Nhìn những con sâu ngoe nguẩy ăn lá tại ruộng mà xót xa vô cùng. Tuy nhiên, khi được giải thích và hướng dẫn cách chăm sóc mới, chúng tôi cũng đã hiểu ra, việc không sử dụng hoá chất góp phần mang đến môi trường trong lành hơn, rau khi thu hoạch ăn ngon và an toàn cho sức khoẻ. Bởi vậy, chúng tôi vô cùng ủng hộ”.
Chị Nguyễn Thị Duyên, đồng sáng lập GenXanh phân tích: “Thiên nhiên luôn cân bằng, khi xuất hiện các loại côn trùng phá hoại thì đồng thời xuất hiện các loài thiên địch (chim, bọ rùa…) tiêu diệt chúng. Bà con cần nhận biết rõ các loại có thiên địch nhằm đảm bảo năng suất chất lượng sản phẩm.
Đối với một số loại côn trùng khác, chúng tôi sử dụng phương pháp phòng là chính. Chẳng hạn như trồng nhiều ô nhiều thửa hoặc trồng trong nhà lưới…, giảm thiểu sâu ngay từ giai đoạn ban đầu, hoặc bắt bướm ngay từ đầu để hạn chế sâu bệnh, hoặc sử dụng thêm các bẫy dính côn trùng, bao quả… Với phương pháp chăm sóc như vậy, cây trồng sẽ hạn chế bùng phát dịch bệnh”.
Để phân biệt rau hữu cơ, người tiêu dùng có thể dựa vào một số đặc điểm sau: Hình dáng bên ngoài, rau rau hữu cơ thường phát triển không đồng đều khiến thân, lá không được bóng mượt, màu sắc cũng nhạt hơn. Về mùi vị, rau hữu cơ có mùi vị đậm đà tự nhiên do khả năng tích lũy dinh dưỡng trong một thời gian đủ dài.
Trích báo NN Diệu Vy