Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, an toàn thực phẩm là vấn đề của toàn xã hội, phải làm từng ngày, từng giờ và phải ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người.
Tiêu chuẩn phải gắn với thị trường
Sáng 18/10, tại TP.HCM, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan và Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan chủ trì Hội nghị “Đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm và minh bạch nguồn gốc xuất xứ thực phẩm cho người tiêu dùng Việt Nam”.
Hội thảo với sự tham dự của lãnh đạo các Vụ, Cục thuộc Bộ NN-PTNT, lãnh đạo Sở NN-PT, Sở Công thương, Sở Y tế các tỉnh thành và các hiệp hội. Hội thảo được tổ chức bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến với 13 điểm cầu tại các tỉnh thành và Canada.
Theo ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản (Bộ NN-PTNT), trong khi thế giới đang đối mặt với thiên tai, dịch bệnh, chuỗi cung ứng lương thực thực phẩm bị gián đoạn thì Việt Nam vẫn đảm bảo an lương thực thực phẩm cho người dân và có dư để xuất khẩu. Trong đó, chuỗi thực phẩm tại Việt Nam đã từng bước được cải thiện về chất lượng, an toàn, minh bạch. Tuy nhiên, quy mô nhỏ, chất lượng không ổn định, thiếu minh bạch. Tỷ lệ vi phạm an toàn thực phẩm (ATTP), ngộ độc thực phẩm giảm nhưng còn ở mức cao hơn so với các quốc gia phát triển.
Trong 9 tháng đầu năm 2022, có 99,5% cơ sở sản xuất được chứng nhận đủ điều kiện ATTP; 89% cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ cam kết tuân thủ quy định ATTP; 97,6% mẫu giám sát đạt yêu cầu ATTP; 12.582 cơ sở trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản được chứng nhận VietGAP và tương đương; 86.384 ha diện tích trồng trọt, nuôi trồng thủy sản được chứng nhận VietGAP và tương đương. Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản 9 tháng đầu năm 2022 đạt 40,8 tỷ USD.
Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cho biết, nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam đối diện nỗi lo dư lượng. Đơn giản như cọng hành lá dùng làm gia vị trong gói mì tôm cũng không dễ đáp ứng yêu cầu của khách hàng nước ngoài.
“Điều đáng lo là tư duy sản xuất, kinh doanh ở nhiều cá nhân, tổ chức vẫn còn đang nặng tính đối phó, chứ chưa thực sự ý thức làm đúng chuẩn, đảm bảo an toàn thực phẩm, tiến tới xuất khẩu”, bà Hạnh nói.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm Minh bạch cho rằng, đang có sự bất hợp lý khi kêu gọi nông dân sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Thế nhưng, thị trường đôi khi không chấp nhận sản phẩm VietGAP do nông dân làm ra. Nghĩa là tiêu chuẩn chưa gắn với thị trường.
Nhiều người có những hành vi gian dối, hàng kém chất lượng nhưng “đội lốt” nhãn mác VietGAP đưa vào siêu thị, đánh lừa người tiêu dùng và gây thiệt hại ngược lại cho những nông dân làm VietGAP chân chính. Trong vấn đề kiểm soát an toàn thực phẩm, đảm bảo minh bạch nguồn gốc thực phẩm hiện nay, cần đề cao vai trò của tất cả các đơn vị, thành phần trong xã hội cùng tham gia. Kể cả trách nhiệm của thương lái cũng cần nâng cao vì họ cũng là thương nhân, là bộ phận rất quan trọng trong chuỗi cung ứng nông sản Việt Nam.
“Người tiêu dùng là chốt chặn cuối cùng và quan trọng. Các tổ chức xã hội như Hội bảo vệ người tiêu dùng cũng phải hỗ trợ cung cấp kiến thức nhận diện an toàn thực phẩm và các mối nguy từ thực phẩm cho người dân”, bà Minh nói.
Bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam nhìn nhận, nhược điểm trong sản xuất lưu thông phân phối hiện nay là chưa có tính tự giác trong sản xuất cũng như trong khâu chế biến, còn chạy theo lợi nhuận trước mắt, chưa chọn vật tư, con giống để cho ra sản phẩm chất lượng mà thấy rẻ là dùng, không nghĩ đến lợi hại về sau. Sản xuất còn theo phong trào, theo sự đồn thổi của thị trường, gây thừa, thiếu sản phẩm trên thị trường.
Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ cao vào sản xuất, kiến thức đảm bảo vệ sinh ATTP còn kém. Nơi sản xuất chế biến thực phẩm chưa được đầu tư bài bản, thậm chí còn đơn sơ không đảm bảo vệ sinh, có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập, nguồn gốc chế biến thực phẩm chưa được xét nghiệm, nguyên liệu dùng trong chế biến hết hạn sử dụng. Chi phí kiểm tra mẫu cao.
“Các loại giấy chứng nhận cho doanh nghiệp, cho sản phẩm thường hay bị hết hạn, khi cần đến mới chạy xin lại. Vùng sản xuất nhiều nhưng trong đó nơi được cấp giấy chứng nhận về độ sạch còn hạn chế dẫn đến sản phẩm sạch và không sạch như nhau…”, bà Hậu nhận định.
Theo Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam, để khắc phục những nhược điểm, hạn chế cần học hỏi các nước tiên tiến, giảm áp lực cho nhà sản xuất, chế biến, giảm chi phí cho việc duy trì giấy chứng nhận kiểu mẫu. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ chất lượng đầu vào từ con giống nuôi trồng đến sơ chế chế biến lưu thông trên thị trường. Kiểm soát tận gốc vấn nạn sử dụng thuốc tăng trưởng, thuốc hoá chất độc hại với môi trường… kiểm soát chặt chẽ khâu nhập và phân phối sản phẩm phục vụ sản xuất nông nghiệp. Thay đổi tập quán canh tác của người dân để đi tới phát triển đa dạng tập trung cho các sản phẩm sạch an toàn cho người tiêu dùng. Tiêu chuẩn hoá quy trình trồng và canh tác cho từng loại hoa màu đã chọn lọc. Khuyến khích tập trung công nghiệp hoá hoa màu ngắn ngày chủ đạo, giảm thiểu canh tác tràn lan thiếu kiểm soát đồng bộ…
“Truy xuất nguồn gốc nông sản là yếu tố bắt buộc. Xây dựng các chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn giúp thay đổi nhận thức, kiến thức về đảm bảo vệ sinh ATTP. Nâng cao kỹ năng quản lý, kiểm soát, nhận diện đánh giá nguy cơ về ATTP của các tác nhân tham gia chuỗi, giúp kiểm soát từng công đoạn và quá trình tạo ra sản phẩm chất lượng an toàn, tạo liên kết chặt chẽ giữa cơ sở tham gia chuỗi, tăng hiệu quả trách nhiệm của mỗi cơ sở trong việc đảm bảo chất lượng, vệ sinh ATTP”,
Đặc biệt, bà Hậu đề xuất, cần xử lý hình sự đối với các vi phạm về vệ sinh ATTP gây ảnh hướng đến sức khoẻ cộng đồng.
An toàn thực phẩm phải làm từng ngày, từng giờ chứ không chỉ “đến tháng mới hành động”
Phát biểu tại hội nghị, Bộ Trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đề nghị, việc đảm bảo ATTP cần tránh tư duy khẩu hiệu. “Quản lý an toàn thực phẩm không phải đợi đến “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” mới vào cuộc. ATTP là vấn đề của toàn xã hội, phải làm từng ngày, từng giờ và phải ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người. An toàn thực phẩm là vấn đề lớn của thế giới, của những nước chậm phát triển và đang phát triển chứ không chỉ là vấn đề riêng của Việt Nam”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, việc đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm và minh bạch nguồn gốc xuất xứ thực phẩm cho người tiêu dùng Việt Nam phải là việc của mỗi người, của cả xã hội, cộng đồng cùng chung tay để thay đổi tư duy sản xuất, chứ không chỉ là trách nhiệm của người sản xuất, người nông dân, HTX, doanh nghiệp, địa phương hay chỉ là trách nhiệm của Bộ NN-PTNT, của cơ quan nhà nước.
An toàn thực phẩm vì chính con cái “Mỗi người chúng ta hãy làm việc nên làm, chúng ta làm để trả nợ lại cho những người nông dân, những người nuôi sống chúng ta. Nếu chúng ta nghĩ, an toàn thực phẩm là câu chuyện của chính con cái chúng ta. Biết đâu những đứa trẻ khi ra đường ăn nhầm thực phẩm không đảm bảo thì sao? Ở nước ngoài sao người ta nói nông nghiệp nó đơn giản quá, nó đánh thức vào cảm xúc của con người”, Bộ trưởng trăn trở.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị, cộng đồng doanh nghiệp không nên nghĩ chỉ đơn giản là việc mua – bán với người nông dân, mà mục tiêu, sứ mạng cuối cùng của doanh nghiệp là kiến tạo chia sẻ giá trị để thay đổi nhận thức.
“Nếu doanh nghiệp xem nông dân là bà con chứ không chỉ là đối tác làm ăn qua thương vụ, khi đó giá trị doanh nghiệp sẽ cao hơn rất nhiều lần, thương hiệu doanh nghiệp sẽ tăng lên rất nhiều lần và khi đó, hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng đánh tráo nhãn mác sẽ giảm đi rất nhiều lần”, Bộ trưởng khẳng định.
Bộ trưởng cho rằng, doanh nghiệp cũng có thể thông báo cho chính quyền cơ sở, khuyến nông cộng đồng, hội nông dân về những hợp tác với nông dân, để từ đó minh mạch hoàn toàn thông tin về sự hợp tác giữa doanh nghiệp – nông dân, giữa nhà bán lẻ – nông dân, qua đó kích hoạt người nông dân thay đổi làm tốt lên.
Về quản lý nhà nước, Bộ trưởng cho biết, Bộ sẽ hoàn thiện dần những quy định, đã đến lúc chuyển từ khuyến khích sang bắt buộc, bắt buộc ở trong diện rộng chưa được thì bắt buộc trong diện hẹp, từ hệ thống phân phối lớn, từ tập đoàn lớn, dần trở thành một ngành sản xuất kinh doanh có điều kiện.
“Đặc trưng của ngành sản xuất nông nghiệp là tạo ra nông sản tác động tới sức khoẻ của bao nhiêu người, thậm chí cả một thế hệ. Do đó, phải khép dần, để tất cả giấy chứng nhận thực sự là giấy chứng nhận, là một tài sản giá trị, một bảo chứng để người nông dân hãnh diện, chứ không phải là giấy thông hành.
Tôi mong muốn rằng, tất cả chúng ta hãy vào cuộc, trong tâm thức không phải là việc tờ giấy, là chứng nhận mà là niềm tin xã hội. Niềm tin đã mất đi rồi khó lấy lại. Còn ngày nào chúng ta bán nông sản cho người tiêu dùng thì chúng ta còn bán niềm tin.
Bộ NN-PTNT cam kết sẽ luôn đồng hành với phương châm “tư duy mở, hành động nhanh, kết quả thật”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Bộ trưởng mong muốn, hội nghị sẽ nhận được nhiều sáng kiến xã hội dưới góc nhìn đa chiều, giúp cơ quan quản lý nhà nước dân hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Trong khuôn khổ hội nghị, diễn ra lễ ký kết phối hợp hỗ trợ TP.HCM xây dựng và phát triển chuỗi giá trị ngành hàng nông lâm thủy sản do Dự án Canada tài trợ. Và ký kết kế hoạch phối hợp thỏa thuận tăng cường kiểm soát nguồn gốc xuất xứ thực phẩm giữa Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT) và Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam.
Theo Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm và thuỷ sản (Bộ NNTNT) Nguyễn Như Tiệp, cần có 7 giải pháp để cải thiện chất lượng, an toàn, minh bạch chuỗi thực phẩm gồm: rà soát, hoàn thiện chính sách, pháp luật và hài hòa tiêu chuẩn, quy chuẩn với chuẩn mực quốc tế; Huy động nguồn lực đầu tư nâng cấp hạ tầng sản xuất kinh doanh, logistic; Tổ chức liên kết sản xuất với tiêu thụ, xây dựng và phát triển chuỗi giá trị; Thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao công nghệ tiên tiến, ứng dụng chuyển đổi số, phát triển nông nghiệp sinh thái (hữu cơ, tuần hoàn…); Đổi mới công tác thông tin, truyền thông; minh bạch, chia sẻ thông tin; Đổi mới đào tạo, tập huấn cho các nhóm đối tượng; Chuẩn hóa, hiện đại hóa hệ thống giám sát, kiểm tra/thanh tra.