Nước lũ mùa nước nổi ở ĐBSCL đang rút rất nhanh, đồng ruộng khô cạn, tạo điều kiện cho nông dân tập trung xuống giống lúa đông xuân chính vụ 2022 – 2023.
Tập trung xuống giống nhanh theo lịch
Vụ lúa đông xuân 2022 – 2023, toàn vùng ĐBSCL có kế hoạch xuống giống gần 1,6 triệu ha. Hiện nay, nước lũ mùa nước nổi đang xuống rất nhanh, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân tập trung gieo sạ theo đúng lịch khuyến cáo.
Đầu tháng 12, những cánh đồng sau nhà của người dân ở ấp Tân An, xã Tân An, huyện Tân Hiệp, Kiên Giang rộn ràng tiếng máy trục, xới đất, sên đắp bờ ranh, móc mương thoát nước… Ông Sáu Thân vừa lội từ ruộng về than thở, nước rút nhanh, lại gặp gió bấc thổi mạnh, mặt ruộng cạn khô nên máy là không kịp. Giờ phải lấy máy bơm châm thêm nước vào…
Kiên Giang là tỉnh có kế hoạch gieo sạ lúa đông xuân 2022 – 2023 lớn nhất khu vực ĐBSCL với diện tích 281.000ha. Ngành nông nghiệp đã xây dựng lịch thời vụ xuống giống tập trung thành 3 đợt. Đợt đầu xuống giống sớm từ cuối tháng 10/2022, lúa thu đông 2022 thu hoạch chưa hết, nước lũ còn cao nên gieo sạ không nhiều. Đợt 2 gieo sạ từ ngày 15 – 30/11, là đợt xuống giống tập trung, bao gồm phần lớn diện tích ở các huyện Giồng Riềng, Tân Hiệp, Gò Quao, Châu Thành, Rạch Giá, Hòn Đất, Kiên Lương và Giang Thành. Nông dân đã chủ động bơm tát nước ra, xuống giống nhanh, đến đầu tháng 12/2022 tổng diện tích đã xuống giống được 146.562ha, đạt trên 52% diện tích kế hoạch.
Chi cục Trồng trọt – BVTV Kiên Giang khuyến cáo nông dân nên tập trung xuống giống dứt điểm diện tích còn lại vào đợt 3, gieo sạ từ ngày 15 – 30/12/2022, chủ yếu các vùng trũng, nước rút chậm, bao gồm diện tích còn lại của các huyện Giồng Riềng, Hòn Đất, Kiên Lương, Gò Quao, Giang Thành và TP Rạch Giá. Tuyệt đối không kéo dài thời gian xuống giống sang tới đầu năm 2023 để tránh nguy cơ bị hạn, mặn xâm nhập vào cuối vụ.
Mặc dù lúa mới gieo sạ, nhưng lúa hiện đã xuất hiện một số dịch hại. Trong đó, dịch muỗi hành nhiễm trên lúa đông xuân nghi nhận là 130ha, chủ yếu nhiễm nhẹ (tỷ lệ 5 – 10%), tuổi từ 2 – 3, xuất hiện ở xã Mỹ Hiệp Sơn, huyện Hòn Đất. Ngoài ra, các đối tượng gây hại khác như sâu phao, rầy nâu, chuột, bọ trĩ, sâu đục thân, rầy phấn trắng, ốc bươu vàng… xuất hiện và gây hại ở mức rải rác đến nhẹ, không ảnh hưởng đến sinh trưởng cây lúa.
Theo Chi cục Trồng trọt – BVTV Kiên Giang, nông dân nên tăng cường thăm đồng thường xuyên để sớm phát hiện dịch hại và có biện pháp phòng trị kịp thời. Lưu ý dịch ốc bươu vàng sẽ gia tăng diện tích nhiễm trên trà lúa đông xuân chính vụ 2022 – 2023 mới gieo cấy, nhất là trên những ruộng trũng khó tiêu thoát nước khi trời mưa.
Tương tự tại Hậu Giang, vụ lúa đông xuân 2022 – 2023 tỉnh có kế hoạch gieo sạ với diện tích 75.000ha, giảm 1.200ha so với cùng kỳ năm trước. Trong đợt xuống giống tập trung đợt 1 (đến hết tháng 11), nông dân đã xuống giống được 28.000ha, chủ yếu ở các huyện Long Mỹ, Châu Thành A, Vị Thủy…
Ông Bạch Văn Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt – BVTV Hậu Giang cho biết, hiện hay nước lũ đang rút nhanh, Chi cục khuyến cáo nông dân chủ động bơm tát, vệ sinh đồng ruộng, tu sửa bờ bao, chuẩn bị giống cho đợt 2 xuống vụ đông xuân 2022 – 2023 theo kế hoạch, phấn đấu gieo sạ dứt điểm diện tích còn lại ngay trong tháng 12 này.
Tại Hậu Giang, đầu vụ cũng đã xuất hiện một số đối tượng sinh vật gây hại và đều được nông dân chủ động quản lý phòng trừ, khống chế. Thời gian tới, bà con cần tiếp tục thu gom bắt ốc và trứng ốc bươu vàng trên đồng ruộng, ưu tiên các biện pháp thủ công, hạn chế sử dụng hóa chất diệt trừ ốc để bảo vệ môi trường, gây chết các loài động vật thủy sinh. Ngoài ra, có thể phát động phong trào diệt chuột cộng đồng để khống chế mật số và giảm sự phát tán, cắn phá gây hại lúa giai đoạn mạ trên các hạt giống lúa mới gieo sạ.
Cơ giới hóa để giảm lượng giống
Vụ lúa đông xuân 2022 – 2023, TP Cần Thơ có kế hoạch xuống giống 74.280ha. Chi cục Trồng trọt – BVTV TP Cần Thơ khuyến cáo, để vụ lúa đông xuân 2022 – 2023 đạt hiệu quả, ngay sau khi thu hoạch lúa thu đông, ngành nông nghiệp các địa phương phải tích cực vận động nông dân vệ sinh đồng ruộng, trục xới đất, đưa nước vào ruộng để nhấn chìm rơm rạ, tiêu diệt mầm bệnh, đồng thời hạn chế ngộ độc hữu cơ do rơm rạ chưa kịp phân hủy. Ðặc biệt, nông dân xuống giống lúa đông xuân phải tập trung đồng loạt, nhưng vẫn đảm bảo thời gian cách vụ, đảm bảo chất lượng và hiệu quả sản xuất.
Bà Phạm Thị Minh Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt – BVTV TP Cần Thơ cho biết sẽ triển khai lịch thời vụ gieo sạ lúa đông xuân 2022 – 2023 gồm 2 đợt. Ðợt 1 gieo sạ từ ngày 28/10 – 3/11/2022. Ðợt 2 từ ngày 18 – 24/11/2022. Các địa phương cần theo dõi chặt chẽ rầy nâu tại chỗ và tình hình rầy di trú, kết hợp với chế độ thủy văn, mưa bão để thực hiện và triển khai lịch thời vụ xuống giống lúa đông xuân phù hợp.
Các giống lúa chủ lực được khuyến cáo gồm: Ðài Thơm 8, Jasmine 85, OM5451, OM18, OM4218, OM2517, OM7347. Khuyến cáo nông dân sử dụng giống xác nhận, áp dụng biện pháp sạ hàng, sạ thưa, sạ cụm, cấy máy. Bên cạnh đó, lượng giống sử dụng không quá 100kg/ha, đặc biệt khuyến khích áp dụng các biện pháp canh tác sử dụng từ 50 – 60kg giống/ha. Ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất lúa theo hướng an toàn, thân thiện môi trường như “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, tưới ngập – khô xen kẽ, ứng dụng công nghệ sinh thái, sử dụng chế phẩm sinh học…
Bà Phạm Thị Minh Hiếu nhấn mạnh: Trước khi gieo sạ lúa đông xuân, nông dân cần chú ý thực hiện tốt việc xới, trục, trạc, kết hợp làm phẳng mặt ruộng, đánh rãnh tạo điều kiện thoát nước tốt, thuận lợi cho việc chăm sóc và quản lý dịch hại trên đồng ruộng. Gia cố bờ bao, cống, đập đảm bảo điều tiết nước thuận lợi trên đồng ruộng. Về chăm sóc, cần bón lót phân lân, phân vôi, phân hữu cơ… giúp kích thích bộ rễ cây lúa phát triển mạnh, hạn chế ngộ độc hữu cơ.
Tại Đồng Tháp, vụ lúa đông xuân 2022 – 2023 toàn tỉnh sẽ xuống giống 192.000ha, ước sản lượng thu hoạch trên 1,3 triệu tấn. Tuy nhiên, hiện nay lũ đang chính vụ, các huyện đầu nguồn như Tân Hồng, Hồng Ngự và TP Hồng Ngự xả lũ đồng đồng ruộng để thuận lợi cho việc sản xuất vụ đông xuân nhẹ phân, thuốc và đặc biệt giảm sâu bệnh. Còn tại các huyện hạ nguồn nước lũ như Tháp Mười và Cao Lãnh, nông dân hiện đang vệ sinh đồng ruộng để xuống giống vụ lúa đông xuân sớm…
Anh Đoàn Thanh Sơn ở xã Đốc Binh Kiều, huyện Tháp Mười cho biết: Vụ này gia đình anh gieo sạ 4ha giống OM18, diện tích đất nằm trong khu đê bao khá an toàn. Sau khi ăn vụ lúa thu đông xong, gia đình cho đất nghỉ ngơi gần 40 ngày xả nước lũ vào để đất “ăn phù sa”. Hiện nay, cả xã đều tập trung cho bơm nước ra, vệ sinh đồng ruộng, đến nay lúa đã gieo sạ được 1 tuần, lúa phát triển tốt, chuẩn bị bón phân đợt đầu. Anh Sơn kỳ vọng vụ lúa đông xuân năm nay sẽ ít sâu bệnh, năng suất cao, lúa bán được giá để có khoản tiền lời khá vì hiện nay cái gì cũng tăng giá, nhất là giá vật tư đầu vào và công thuê mướn.
Giá phân bón giảm từ đầu vụ, nông dân dễ thở
Hiện nay, các tỉnh ĐBSCL đang tất bật xuống giống vụ lúa đông xuân 2022 – 2023, mặc dù trước đó 1 tháng ai cũng lo âu giá xăng dầu, vật tư đầu vào, nhất là phân bón và thuốc BVTV tăng cao. Tuy nhiên, từ cuối tháng 11 và đầu tháng 12/2022, giá vật tư nông nghiệp có dấu hiệu giảm nhẹ, trong đó giá phân giảm từ 10 – 50 ngàn đồng/bao. Cụ thể phân Urê Đạm Phú Mỹ hiện giá bán ra tại các đại lý còn 720 ngàn đồng/bao, giảm 30 ngàn đồng/bao so với tháng trước. Còn Ure Đạm Cà Mau từ 760 ngàn đồng/bao nay giảm còn 710 ngàn đồng/bao.
Bên cạnh đó, Kali từ 1,1 triệu đồng/bao nay giảm xuống 960 ngàn đồng/bao. Các mặt hàng thuốc BVTV giữ ổn định, trong đó sản phẩm thuốc trừ cỏ đầu vụ, thuốc nảy mầm hạt lúa và thuốc diệt ốc là 3 mặt hàng bán chạy nhất hiện nay.