Sản xuất an toàn, hữu cơ và kết nối tiêu thụ cho 300 hợp tác xã

v2 1724 20221125 393 172649

SƠN LA 300 HTX với khoảng 800 sản phẩm nông sản ở các tỉnh miền núi phía Bắc sản xuất theo quy trình an toàn, hữu cơ và được liên kết, kết nối tiêu thụ bền vững.

Ngày 22/11 tại Vân Hồ (tỉnh Sơn La), Trung tâm Kiểm nghiệm – Kiểm chứng và Tư vấn chất lượng Nông lâm thủy sản (RETAQ, thuộc Cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và Thủy sản (Bộ NN-PTNT) đã ký kết chương trình phối hợp với Trung tâm hỗ trợ Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo Quốc gia (Cục Quản lý doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ, Bộ KH-CN) và Làng Nông nghiệp khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo quốc gia Techfest.

Mô hình Trạm xanh xử lý phụ phẩm nông nghiệp tại Vân Hồ, Sơn La

Mô hình Trạm xanh xử lý phụ phẩm nông nghiệp tại Vân Hồ, Sơn La. Ảnh: Anh Cường.

Mục tiêu của chương trình phối hợp nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX và các hộ sản xuất nông sản trong mạng lưới Techfest nâng cao chất lượng sản phẩm, tập huấn và tư vấn cho các chủ thể thực hiện quy trình trồng trọt và chế biến tiên tiến (VietGAP, hữu cơ, sản phẩm thiên nhiên, OCOP…) nhằm nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tận dụng phụ phẩm nông nghiệp, hướng đến sản xuất nông nghiệp “thuận thiên”, bền vững.

Tại mô hình Trạm xanh xử lý phụ phẩm nông nghiệp tại Vân Hồ, Sơn La, nông dân mang phụ phẩm đến Trạm để đổi lấy phân hữu cơ, bón lại chính vườn cam của họ. Đây là giải pháp hợp tác hiệu quả để xử lý gần 160 triệu tấn phụ phẩm nông nghiệp của Việt Nam.

Sau gần 2 năm triển khai, đến nay, Hệ sinh thái Làng nông nghiệp Techfest quốc gia đã kết nối 300 HTX sản xuất nông sản với nhiều nguồn lực khác nhau. Qua đó, khoảng 800 sản phẩm nông sản ở các tỉnh miền núi phía Bắc đã được sản xuất theo quy trình an toàn, hữu cơ và được kết nối, liên kết tiêu thụ bền vững.

Đối với riêng tỉnh Sơn La, hiện có hơn 3.000 doanh nghiệp và 700 HTX với 84 nghìn ha cây ăn quả, đứng thứ 2 toàn quốc về diện tích; tổng sản lượng trái cây hàng năm của tỉnh hơn 400 nghìn tấn. Với mục tiêu đẩy mạnh phát triển, liên kết chuỗi và mở rộng thị trường, tỉnh rất cần sự hợp tác, hỗ trợ để phát triển, chế biến sâu và tiêu thụ nông sản địa phương, hướng đến xuất khẩu.

Bà Nguyễn Thị Thu, Trưởng Làng Nông nghiệp Techfest quốc gia cho hay: “Kết nối đầu ra thành chuỗi phân phối nông sản an toàn bền vững là một nhiệm vụ trọng tâm của chúng tôi. Đến nay, 300 HTX, doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp ở các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Tuyên Quang, Cao Bằng, Quảng Ninh… đã được kết nối với 30 cửa hàng và 400 đại lý tiêu thụ nông sản tại các thành phố lớn. Qua đó, hơn 800 sản phẩm nông sản ở nhiều tỉnh, thành phố đã tạo được đầu ra”.

Trang trại trồng cam Pa Cốp - Vân Hồ sử dụng toàn bộ phân hữu cơ, thuốc diệt sâu bệnh sinh học: năng suất tăng gần 18%, giá thành cao hơn 25%.

Trang trại trồng cam Pa Cốp (Vân Hồ, Sơn La) sử dụng toàn bộ phân hữu cơ, thuốc diệt sâu bệnh sinh học, cho năng suất tăng gần 18%, giá bán cao hơn 25%. Ảnh: Anh Cường.

Tuy nhiên, vấn đề được cả cơ quan quản lý và các chủ thể quan tâm là tính thực chất của các chứng nhận chất lượng nông sản để hướng tới nông nghiệp “thuận thiên”, an toàn.

TS Đặng Văn Cường, Trung tâm RETAG cho rằng: Chúng ta đang đẩy mạnh nhiều giải pháp giúp các chủ thể thực hiện sản xuất, trồng trọt, chế biến theo quy trình chất lượng tiên tiến như VietGAP, HACCP, hữu cơ, thiên nhiên, OCOP… Tuy nhiên, việc cấp được chứng nhận này mới chỉ đi được phân nửa chuỗi. Sau đó là phải kiểm tra, giám sát các chủ thể có tiếp tục làm đúng quy trình hay không, có tiếp tục đào tạo nâng cao năng lực cho họ để họ tự biết cách quản trị tốt, biết mở rộng thị trường, biết bảo vệ nhau để giữ uy tín sản phẩm hay không thì hầu như chưa làm được nhiều.

Bản thân việc cấp chứng nhận cho các chủ thể cũng cần đánh giá lại toàn diện và quản lý chặt. Ví dụ huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) vừa rồi, gần 6.800ha cam, bưởi, trong đó đặc biệt là dòng cam sành đặc sản đang có nguy cơ chết hàng loạt do việc sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu không đúng quy trình. Do đó, bản thân các đơn vị đánh giá, cấp chứng nhận sản xuất tiên tiến cần làm chặt chẽ, giám sát định kỳ.

Với sản phẩm OCOP, Bộ NN-PTNT quản lý 16/26 nhóm ngành hàng, do đó cần có hoạt động cụ thể về công tác kiểm nghiệm, đánh giá chất lượng các sản phẩm đã được gắn sao OCOP, đặc biệt là các sản phẩm 4 – 5 sao để giữ uy tín các chứng nhận, giúp các chủ thể yên tâm, tiếp tục đầu tư vào sản xuất an toàn, “thuận thiên”.

Trích báo NN                                                                                                                 ANH CƯỜNG

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *