Dù định hướng tăng hay giảm diện tích, việc xốc lại tổ chức sản xuất, cải thiện chất lượng, nâng cao sức cạnh tranh là yêu cầu hàng đầu với cây thanh long hiện nay.
Cần cú hích cho chất lượng sản phẩm và chế biến sâu
Về hướng phát triển cho cây thanh long hiện nay và trong thời gian tới, ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, hiện có 2 ý kiến từ phía các doanh nghiệp và nhà quản lý: Một số ý kiến cho rằng chúng ta có thể tăng diện tích thanh long lên 100.000 ha, nhưng cũng có quan điểm cho rằng nên giảm diện tích thanh long xuống.
Tuy nhiên theo ông Tùng, việc định hình thế nào cho cây thanh long nên lấy yếu tố thị trường và việc tiêu thụ có ổn định hay không để xem xét việc phát triển cho phù hợp. Đặc biệt, việc củng cố mối liên kết trong sản xuất là điều rất quan trọng, dù tăng hay giảm diện tích thì việc liên kết tiêu thụ sẽ giúp sản xuất ổn định hơn.
“Phải lấy yếu tố tiêu thụ thanh long ổn đinh và thị trường xuất khẩu để xem xét tăng hay giảm các yếu tố như về diện tích, chất lượng, chủng loại giống… cho việc phát triển thanh long hiện nay và thị trường sắp tới cho 3 tỉnh Bình Thuận, Tiền Giang và Long An. Riêng các tỉnh còn lại, hiện nay chúng ta còn bỏ ngỏ có nên trồng hay không. Nếu phát triển mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân thì phát triển. Còn nếu phát triển mà manh mún, tạo ra thị trường trong nước không ổn định và tạo áp lực cho việc tiêu thụ thị nên dừng”, ông Tùng nêu quan điểm.
Đối với việc cải tạo vườn thanh long, cách trồng giàn hiện đã được các cơ quan nghiên cứu, cũng như đã có các mô hình ở Bình Thuận, Long An và Kiên Giang, tuy nhiên cách trồng này hiện còn ít mà chủ yếu trồng bằng trụ. Trong khi đó, trồng bằng giàn sẽ giúp cây thanh long tăng năng suất, chất lượng cũng như quản lý dịch hại, truy suất nguồn gốc và quản lý về ATTP xuất khẩu tốt hơn trồng bằng trụ. Do đó, ông Lê Thanh Tùng cho rằng, cần có chiến lược dài hơn để vừa cải tạo vườn trụ, đưa cơ giới hóa vào sản xuất nhằm cải thiện năng suất, chất lượng, giảm giá thành sản xuất…
Cùng với đó, các tỉnh trồng thanh long cần tiếp tục nâng cao vấn đề ATTP, chẳng hạn như Bình Thuận trước đây đã sản xuất thanh long VietGAP, tuy nhiên phải nâng cấp hơn nữa để đáp ứng các mức độ về ATTP theo các quốc gia nhập khẩu. Đồng thời, kết hợp truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu…, tạo ra sự khác biệt thì thanh long Việt Nam mới tiêu thụ một cách ổn định.
Đối với khâu chế biến thanh long, chúng ta đã đa dạng sản phẩm, nhưng lượng chế biến còn ở mức thấp dưới 5% tổng sản lượng. Do đó, phải đẩy mạnh khâu chế biến lên 20 – 30% sản lượng thì mới có ý nghĩa khi gia tăng về diện tích, cũng như giúp tăng giá trị sản phẩm.
Đồng quan điểm với ông Tùng, các địa phương có diện tích thanh long lớn cũng cho rằng, để thanh long phát triển bền vững, giải pháp hàng đầu là phải nâng cao chất lượng sản phẩm.
Ông Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc Sở NN-PTNT Tiền Giang cho biết: Tỉnh đang triển khai giải pháp để nâng cao chất lượng sản phẩm, quy hoạch vùng trồng, mời gọi doanh nghiệp chế biến sâu và đầu tư kho lạnh… để từng bước giảm sản lượng xuất quả tươi sang thị trường Trung Quốc và đa dạng thị trường tiêu thụ.
Ông Nguyễn Chí Thiện, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Long An cho rằng, 3 tỉnh trồng thanh long lớn cần có liên kết, tính toán để thống nhất rải vụ thật tốt, đảm bảo diện tích mà vẫn giúp cây thanh long phát triển hiệu quả. Tuy nhiên để bảm bảo mục tiêu trên, ông Thiện đề nghị các bộ ngành tiếp tục hỗ trợ sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm theo chuỗi cho nông dân và các HTX.
Bên cạnh đó, cần có doanh nghiệp liên kết theo vùng miền để khi tỉnh này thiếu thanh long thì sẽ mua tỉnh khác, cũng như phải đảm bảo đúng quy định về mã số vùng trồng, cơ sở đóng góp; đồng thời tiếp tục nghiên cứu về quản lý chặt chẽ sâu bệnh trên cây thanh long.
Củng cố liên kết sản xuất
Ông Trần Minh Hải, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Tư vấn Kinh tế hợp tác (Trường Cán bộ NN-PTNT II) cho rằng, cái căn cơ nhất ở các vùng trồng thanh long chưa làm được, đó là phát triển kinh tế tập thể. Phát triển HTX ở những vùng trồng thanh long rất khó làm so với những mô hình khác. Tuy nhiên, phải phát triển HTX để có vùng nguyên liệu lớn phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.
Ngoài ra, các tỉnh cần đẩy mạnh vai trò hoạt động của hiệp hội thanh long. Các địa phương phải ra nghị quyết để bố trí các nguồn lực tập trung cho việc cải thiện sơ chế, chế biến, đặc biệt là các công nghệ sấy lạnh. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý, tăng giá trị cho các vùng trồng thanh long thông qua du lịch…
Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, lâu nay cách tiếp cận của chúng ta theo kiểu tư duy cũ, sản xuất cứ nghĩ sản lượng nhiều là mừng, nhưng thị trường lại làm chủ sản xuất. Do đó, phải thay đổi cách tiếp cận từ “một đầu sang hai đầu” (đầu sản xuất và thị trường), bởi hiện nay chúng ta còn rất mù mờ về thị trường của thanh long, kể cả thị trường Trung Quốc cũng đang hiểu mù mờ.
Do đó, Bộ trưởng giao Cục Trồng trọt cần nghiên cứu, phân tích kỹ về thị trường. Các địa phương phải có trách nhiệm kiểm soát, nắm bắt cụ thể bao nhiêu bà con sản xuất thanh long, bao nhiêu vựa thu mua… Từ đó có phương hướng đưa nông dân vào hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, đưa các vựa vào tổ chức.
Người đứng đầu Bộ NN-PTNT nhắc lại câu “buôn có bạn, bán có phường”, bởi tư duy chúng ta còn mang tính mạnh ai nấy làm, mạnh ai nấy biết. Do đó ông cho rằng, các địa phương cần cuộc cách mạng tổ chức lại sản xuất ngay từ cấp xã, không để phát triển sản xuất theo kiểu tự phát.
Cùng với đó, nghiên cứu để giảm chi phí đầu vào, giảm rủi ro khi sản phẩm rớt giá, cũng như chuyển từ xuất khẩu thanh long tiểu ngạch sang chính ngạch. Bởi vì đây là xu hướng của các nước để kiểm soát về dịch bệnh, thuế…
Bộ trưởng Lê Minh Hoan lưu ý các địa phương cần xây dựng hệ sinh thái, trong đó tất cả mọi thành phần đều phải có tinh thần trách nhiệm. Phía các cơ quan của Bộ NN-PTNT cũng phải có trách nhiệm trong việc cung cấp thông tin về cơ chế, chính sách, thị trường… cho các địa phương.
“Đói” thông tin thị trường
Ông Lê Tuấn Phong, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đề nghị Bộ NN-PTNT xây dựng chiến lược nghiên cứu, đánh giá tiềm năng, nhu cầu thị hiếu và thị trường tiêu thụ của cây thanh long một cách bài bản có cơ sở khoa học. Từ đó có khuyến cáo đối với các tỉnh trồng thanh long, trong đó có Bình Thuận về quy hoạch sản xuất làm sao đảm bảo cung cầu. Hỗ trợ thường xuyên thông tin quảng bá tuyên truyền về cây thanh long, chất lượng sản phẩm thanh long, thậm chí đưa vào các hội nghị lớn.
Đồng thời, chỉ đạo cơ quan chức năng phối hợp với Bộ Công thương thường xuyên hơn để cập nhật về quy định, cơ chế chính sách về nhập khẩu của các thị trường, trong đó có thị trường Trung Quốc, đặc biệt mùa vụ liên quan sản xuất của các nước, cần sản lượng ít hay nhiều. Vấn đề này, các cơ quan và hiệp hội thanh long rất cần thông tin.
Ngoài ra, tăng cường công tác chế biến sẽ giải quyết rất tốt tình trạng ứ đọng sản phẩm. Do đó tỉnh Bình Thuận mong Bộ NN-PTNT và cơ quan chức năng hỗ trợ, kêu gọi nhà đầu tư có năng lực để chế biến sản phẩm bài bản, chất lượng và cạnh tranh cao.
Chủ tịch tỉnh Bình Thuận cũng kiến nghị Bộ NN-PTNT đưa cây thanh long vào nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia. Từ đó có chính sách hỗ trợ để phát triển cây thanh long bền vững.