Cây làm giàu bỗng dưng điêu đứng

tai

Trong sản xuất thanh long, nông dân kỳ vọng nhất là lứa trái nghịch vụ, nhưng vụ thanh long vừa qua giá rẻ bèo, thậm chí không có ai mua, nông dân thua lỗ nặng.

LTS. Thanh long là mặt hàng trái cây xuất khẩu chủ lực, có lợi thế cạnh tranh của Việt Nam và là cây ăn quả làm giàu cho nông dân. Tuy nhiên những năm gần đây, nhất là từ khi ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, mặt hàng thanh long đã lộ ra nhiều khó khăn, tồn tại, nhất là thị trường xuất khẩu bấp bênh, khiến không ít nông dân khốn đốn. Định hình lại hướng đi cho cây thanh long đang là yêu cầu rất cấp thiết. 

Ồ ạt trồng thanh long

Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), hiện Việt Nam có gần 65.000 ha thanh long, với tổng sản lượng gần 1,4 triệu tấn/năm. Trong đó, 3 tỉnh sản xuất thanh long chính gồm Bình Thuận, Long An và Tiền Giang với khoảng gần 55.000 ha, chiếm 85% tổng diện tích cả nước, tổng sản lượng hơn 1,2 triệu tấn, bằng 90,3% cả nước.

Thanh long là mặt hàng trái cây xuất khẩu 'tỷ đô' của Việt Nam, song đang bộc lộ nhiều khó khăn trong xuất khẩu. Ảnh: KS.

Thanh long là mặt hàng trái cây xuất khẩu “tỷ đô” của Việt Nam, song đang bộc lộ nhiều khó khăn trong xuất khẩu. Ảnh: KS.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, nếu như năm 2015, giá trị xuất khẩu thanh long Việt Nam mới chỉ đạt 483 triệu USD thì đến năm 2020 đã đạt hơn 1,1 tỷ USD, tăng hơn gấp đôi. Chính sức hấp dẫn của thanh long đã thúc đẩy việc mở rộng diện tích, tăng rất nhanh về sản lượng để phục vụ xuất khẩu.

Với khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp, cây thanh long được tỉnh Bình Thuận xác định là cây lợi thế và đặc sản của địa phương. Ông Mai Kiều, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh này cho biết, hiện địa phương có hơn 30.000 hộ nông dân tham gia sản xuất, thu mua, sơ chế xuất khẩu thanh long, hàng năm tạo việc làm thường xuyên cho 70.000 – 80.000 lao động. Có thể nói, giá trị xuất khẩu của thanh long Bình Thuận chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu giá trị sản xuất cây ăn quả.

Với 1 ha trồng thanh long, tổng doanh thu từ 350 – 400 triệu đồng/năm, nông dân lợi nhuận bình quân khoảng 150 – 170 triệu đồng. Vì vậy, cây thanh long đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế nông nghiệp và nông thôn của tỉnh Bình Thuận.

Tính đến cuối năm 2021, diện tích thanh long của tỉnh này đạt 33.750 ha (chủ yếu là thanh long ruột trắng), sản lượng thanh long đạt 700.000 tấn. Trong đó có 12.397 ha thanh long được cấp chứng nhận VietGAP (chiếm 35% tổng diện tích) và gần 355 ha thanh long được cấp chứng nhận GlobalGAP.

Với lợi nhuận cao, diện tích trồng thanh long tại các tỉnh phía Nam nước ta đã nhanh chóng được mở rộng trong những năm qua. Ảnh: NNVN.

Với lợi nhuận cao, diện tích trồng thanh long tại các tỉnh phía Nam nước ta đã nhanh chóng được mở rộng trong những năm qua. Ảnh: NNVN.

Tại tỉnh Tiền Giang, cây thanh long là 1 trong 4 cây trồng có sản lượng cao ngoài khóm, sầu riêng, mít. Đây là cây trồng được đánh giá dễ trồng, thích nghi rộng, ngay vùng ven biển xã Kiểng Phước (Gò Công Đông) bà con trồng cũng rất tốt, dù vùng này sản xuất cây lúa vẫn gặp nhiều khó khăn.

Theo ông Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc Sở NN-PTNT Tiền Giang, thời gian qua cây thanh long được đánh giá là cây xóa đói giảm nghèo của nhiều vùng, nhiều khu vực. Trong điều kiện thuận lợi, tiêu thụ tốt, hiệu quả gấp 6 lần so với lúa, bình quân lợi nhuận từ 200 – 300 triêu/ha/năm.

Từ hiệu quả đó, tỉnh Tiền Giang đã xây dựng đề án về cây thanh long giai đoạn 2015 – 2025 nhằm phát triển diện tích 7.000 ha. Thế nhưng hiện diện tích cây này hiện đã lên đến khoảng 10.000 ha, sản lượng trên dưới 260 ngàn tấn/năm. Trong đó, giống thanh long ruột đỏ chiếm 70% sản lượng, còn giống ruột trắng chiếm 30% sản lượng.

Tại tỉnh Long An, ông Nguyễn Chí Thiện, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, toàn tỉnh hiện đã phát triển diện tích thanh long gần 12.000 ha (chủ yếu thanh long ruột đỏ), với khoảng 25.000 hộ tham gia sản xuất; tổng sản lượng khoảng 325.000 tấn/năm. Trong đó, sản xuất thanh long chính vụ khoảng 140 ngàn tấn, còn nghịch vụ hơn 180 ngàn tấn.

Không chỉ các tỉnh phía Nam, cây thanh long hiện nay cũng đang ngày càng được mở rộng diện tích tại các tỉnh phía Bắc. Ảnh: Lê Bền.

Không chỉ các tỉnh phía Nam, cây thanh long hiện nay cũng đang ngày càng được mở rộng diện tích tại các tỉnh phía Bắc. Ảnh: Lê Bền.

Qua đánh giá trước năm 2017, giá thanh long được thu mua dao động từ 30 – 60 ngàn đồng/kg, đã giúp nhiều nông dân thu nhập cao. Tuy nhiên từ năm 2017 – 2019, giá thanh long giảm xuống còn 30 ngàn đồng và thời gian từ trước Tết Nhâm Dần đến nay giá chỉ còn dao động từ 2.000 – 20.000 đồng/kg.

Thanh long Bình Thuận chủ yếu được tiêu thụ ở 2 hình thức, tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Thị trường nội địa chỉ tiêu thụ khoảng 15% sản lượng, còn lại khoảng 85% được xuất khẩu. Trong xuất khẩu, khoảng 2 – 3% là chính ngạch, còn lại được mua bán theo hình thức biên mậu qua thị trường Trung Quốc hoặc liên kết với các doanh nghiệp ngoài tỉnh để trực tiếp xuất khẩu.

Bỗng dưng điêu đứng…

Ông Nguyễn Tánh, một nông dân có thâm niên trồng thanh long ở thôn 5, xã Hàm Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận) cho biết, trước đây khi thanh long chưa phát triển ồ ạt, giá thanh long ruột trắng được thu mua trung bình từ 12 – 15 ngàn đồng/kg, có thời điểm lên đến từ 25 – 30 ngàn đồng/kg, nông dân có lãi khá và có thể làm giàu nếu có diện tích từ vài ha trở lên.

Mặt khác trong sản xuất thanh long, nông dân kỳ vọng nhất là lứa trái nghịch vụ, tức là sản xuất thanh long chong đèn bắt đầu từ tháng 9 năm trước đến tháng 3 năm sau (âm lịch) vì sản phẩm luôn hút hàng, lại bán được giá.

Nông dân buồn so vì một vụ thanh long nghịch thất bát. Ảnh: KS.

Nông dân buồn so vì một vụ thanh long nghịch thất bát. Ảnh: KS.

Theo ông Tánh, thông thường những năm trước đây, lứa thanh long thu hoạch từ tháng Chạp trở đi giá thu mua có năm lên đến 20 – 23 ngàn đồng/kg, thấp cũng được 12 – 13 ngàn đồng/kg. Với giá này, nông dân sản xuất có lãi khá. Tuy nhiên đến năm 2020, nhiều nhà vườn tại Bình Thuận chỉ bán được với giá dưới 10.000 đồng/kg. Thế nhưng thê thảm hơn là vụ thanh long chong đèn năm 2021 vừa qua cho đến nay, nông dân chỉ bán được với giá từ vài trăm đồng đến 1.000 – 3.000 đồng/kg, thậm chí không có ai mua.

“Mấy ngày cuối tháng 2/2022, giá thanh long chỉ từ 1.000 – 1.500 đồng/kg, nhưng nhiều nhà vườn cũng không bán được nên buộc phải chặt bỏ trái để giữ sức cho cây”, ông Tánh nói và cho biết thêm, chưa bao giờ cây thanh long khiến nông dân điêu đứng như năm nay. Hầu như các nhà vườn đều mang nợ vì đầu tư điện, phân, thuốc, công vuốt tai thanh long… nhưng thu không đủ chi, thậm chí có người phải rao bán đất để trả nợ.

Như gia đình ông Tánh có 1.500 trụ thanh long, vụ vừa qua chong đèn 800 trụ, trong đó lứa đầu được 4 tấn, bán trước Tết với giá chỉ 1.500 đồng/kg, doanh thu 6 triệu đồng. Còn lứa thứ 2 được 3 tấn, bán dịp rằm tháng Giêng vừa qua với giá 2.000 đồng/kg. Do đó, 2 vụ này gia đình ông thua lỗ gần 40 triệu đồng. Cũng vì thua lỗ nên hiện 700 trụ còn lại ông Tánh đành bỏ, không dám chong đèn nữa.

Thanh long quá rẻ, nên rất nhiều nhà vườn ở Bình Thuận đã lặt bỏ trái, không dám chong đèn nữa. Ảnh: LK.

Thanh long quá rẻ, nên rất nhiều nhà vườn ở Bình Thuận đã lặt bỏ trái, không dám chong đèn nữa. Ảnh: LK.

Tương tự, gia đình ông Tiêu Đình Hương, cùng xã ông Tánh có 650 trụ thanh long ruột trắng, vụ chong đèn vừa qua cũng thất bại, lỗ khoảng 20 triệu đồng. Ông Hương cho biết, hầu như nông dân trồng thanh long Bình Thuận chong đèn vụ này đều thất bại hoàn toàn, không ít hộ trở nên điêu đứng vì thanh long.

Cũng như Bình Thuận, nông dân trồng thanh long ở các tỉnh Long An và Tiền Giang cũng khốn khổ vì giá thanh long vụ nghịch bán thấp bèo, có thời điểm chỉ vài ngàn đồng/kg, thậm chí không có ai mua.

Tại hội nghị về tình hình sản xuất và tiêu thụ thanh long được Bộ NN-PTNT tổ chức mới đây tại Bình Thuận, ông Nguyễn Chí Thiện, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Long An cho biết toàn tỉnh có 144 kho chứa, trong đó 93 kho chứa lạnh, với tổng công sức 5.500 tấn. Vừa qua trong đợt Tết Nhâm Dần, các kho lạnh đảm bảo nhập hàng thanh long cho nông dân trước tình hình tiêu thụ khó khăn. Tuy nhiên khi nhập xong, các doanh nghiệp lại không có đầu ra nên một số diện tích thanh long nông dân đành phải chặt bỏ.

Các doanh nghiệp xuất khẩu thanh long thời gian qua cũng điêu đứng cùng với đà khó khăn của thị trường. Ảnh: KS.

Các doanh nghiệp xuất khẩu thanh long thời gian qua cũng điêu đứng cùng với đà khó khăn của thị trường. Ảnh: KS.

Còn ông Phạm Văn Trọng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết, khi tình hình tiêu thụ thanh long khó khăn, vừa qua ông cùng các ngành chức năng đã khi khảo sát nhiều vùng trồng thanh long trong tỉnh để nắm tình hình. Qua đó thấy nông dân đều hết sức lo lắng. Nhiều kiến cho rằng các cơ quan quản lý nhà nước cần phải sớm có khuyến cáo, định hình lại chiến lược cho việc phát triển cây thanh long hiện nay.

Theo nông dân trồng thanh long, nếu thanh long vào mùa, không phải xử lý ra hoa trái vụ (chong đèn), với giá bán từ 10.000 đồng/kg trở lê, người trồng có lãi. Nhưng nếu chong đèn mà bán với giá khoảng 10.000 đồng/kg thì người trồng từ huề vốn hoặc lỗ vốn vì vụ này nông dân đầu tư tốn nhiều chi phí như tiền điện chong đèn, phân, thuốc BVTV, tiền mua rơm ủ gốc, rồi công vuốt tai thanh long…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *