Giống ngô sinh khối VN172 tốt bời bời trên chân đất 2 vụ lúa

ngo

Phù hợp với chân đất 2 vụ lúa

Viện Nghiên cứu ngô (Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam) vừa tổ chức chương trình tham quan, đánh giá mô hình sản xuất ngô sinh khối thuộc dự án “Xây dựng mô hình sản xuất ngô sinh khối làm thức ăn xanh cho chăn nuôi gia súc”. Đánh giá mô hình có sự tham gia của các chuyên gia, chính quyền địa phương, hợp tác xã (HTX) và đông đảo người dân xã Cổ Đô (Ba Vì, Hà Nội).

Đông đảo người dân xã Cổ Đô thăm và đánh giá cao giống ngô sinh khối VN172 trên chân đất 2 vụ lúa trong vụ đông 2021. Ảnh: Trung Quân.

Đông đảo người dân xã Cổ Đô thăm và đánh giá cao giống ngô sinh khối VN172 trên chân đất 2 vụ lúa trong vụ đông 2021. Ảnh: Trung Quân.

Đây là mô hình kết hợp giữa Trung tâm Khuyến nông quốc gia (KNQG) và Viện Nghiên cứu ngô trong chương trình khuyến nông trung ương năm 2021. Mô hình triển khai trong vụ đông 2021 trên đất 2 vụ lúa tại xã Cổ Đô (Ba Vì, Hà Nội) với diện tích 10 ha, sử dụng giống ngô sinh khối VN172 do Viện Nghiên cứu ngô chọn tạo. Người dân tham gia mô hình được hỗ trợ 100% giống, 50% chi phí phân bón, được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật canh tác ngô sinh khối.

TS Vương Huy Minh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu ngô cho biết: VN172 là giống ngô sinh khối chuyên biệt trong sản xuất thức ăn thô xanh cho chăn nuôi gia súc, được Bộ NN-PTNT công nhận và cho phép sản xuất thử. Mô hình triển khai nhằm mục đích đánh giá khả năng thích ứng, hiệu quả kinh tế của giống ngô này trên chân đất 2 vụ lúa, làm cơ sở để nhân rộng diện tích ra các tỉnh thuộc khu vực ĐBSH trong những năm tiếp theo.

Cũng theo TS Minh, thời gian qua, Viện Nghiên cứu ngô đã triển khai các mô hình sản xuất ngô sinh khối sử dụng giống VN172 ở nhiều tỉnh thành, trên nhiều chân đất khác nhau. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên giống ngô này được triển khai trồng trên đất 2 vụ lúa.

Mặc dù giai đoạn đầu vụ mưa kéo dài, gây rất nhiều khó khăn cho việc xuống giống và tác động tiêu cực đến cây con. Tuy nhiên, với những đặc tính nổi trội, giống ngô sinh khối VN172 đã rất nhanh chóng hồi phục, sinh trưởng và phát triển tốt. Hiện, ngô đang ở giai đoạn trỗ cờ (một số diện tích sau trỗ cờ 1 tuần).

TS Vương Huy Minh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu ngô thông tin những kết quả thu được trong mô hình. Ảnh: Trung Quân.

TS Vương Huy Minh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu ngô thông tin những kết quả thu được trong mô hình. Ảnh: Trung Quân.

Các số liệu thu được cho thấy, giống ngô sinh khối VN172 trồng trong mô hình đáp ứng được đầy đủ các tiêu chuẩn của một giống ngô sinh khối chuyên biệt như: Khả năng sinh trưởng phát triển tốt; duy trì tỷ lệ lá xanh cao cho đến lúc thu hoạch; chịu được mật độ cao (7 vạn cây/ha); ít nhiễm các bệnh như đốm lá lớn, khô vằn, thối thân; chống rét, chống đổ tốt; khả năng kết hạt của bắp tốt, đảm bảo hàm lượng dinh dưỡng cao khi làm thức ăn chăn nuôi. Năng suất dự kiến đạt 50 – 52 tấn/ha.

TS Vương Huy Minh lưu ý khi trồng ngô sinh khối trên đất 2 vụ lúa, cần hết sức chú ý giai đoạn cây con. Do nền đất ướt nên nếu không tuân thủ quy trình kỹ thuật thì bộ rễ ngô sẽ kém phát triển, công tác chăm sóc khó khăn, tốn kém chi phí hơn. Trong điều kiện mưa âm u, có thể sử dụng thêm các chế phẩm sinh học để tạo điều kiện cho rễ phát triển.

Phục hồi tốt sau mưa

Bà Vũ Thị Thanh Hoa, Phó Giám đốc HTX thôn Cổ Đô, xã Cổ Đô, Ba Vì (HTX tham gia mô hình) cho biết: Người dân xã Cổ Đô nói chung và các thành viên HTX nói riêng chăn nuôi bò sữa với số lượng lớn, nhu cầu về thức ăn thô xanh, giàu dinh dưỡng, nhất là trong giai đoạn mùa đông giá rét lớn. Do đó, khi mô hình được triển khai, người dân rất hào hứng tham gia.

Theo bà Hoa, trước khi triển khai mô hình, những hộ tham gia đã được Viện Nghiên cứu Ngô tổ chức hướng dẫn, tập huấn, thống nhất quy trình kỹ thuật nên khi triển khai các hộ đều rất thành thục, đạt hiệu quả cao.

Bà Vũ Thị Thanh Hoa (ngoài cùng bên phải), Phó Giám đốc HTX thôn Cổ Đô và các hộ tham gia mô hình rất vui vì ngô sinh trưởng, phát triển rất tốt. Ảnh: Trung Quân.

Bà Vũ Thị Thanh Hoa (ngoài cùng bên phải), Phó Giám đốc HTX thôn Cổ Đô và các hộ tham gia mô hình rất vui vì ngô sinh trưởng, phát triển rất tốt. Ảnh: Trung Quân.

Về cơ bản, quy trình canh tác giống VN172 không có nhiều sự khác biệt với các giống ngô trước đây bà con từng trồng. Những điểm cần lưu ý, các chuyên gia đã hướng dẫn rất tỷ mỷ, dễ hiểu, dễ tiếp cận nên người dân áp dụng được ngay.

Bà Hoa thông tin thêm: Trải qua thời điểm mưa lớn ở đầu vụ, giống VN172 thể hiện được khả năng chống chịu ngập úng tốt, khả năng hấp thụ dinh dưỡng nhanh. Sau đợt mưa 3 – 5 ngày, cây đã nhanh chóng hồi phục trở lại, nên không ảnh hưởng đến thời vụ và năng suất.

Về tiêu thụ, theo bà Hoa, hiện đã có một số công ty, trang trại chăn nuôi đại gia súc ở các vùng lân cận đặt vấn đề thu mua. Tuy nhiên, do là vụ đầu tiên trồng thử nghiệm giống mới, nên diện tích không nhiều, sản lượng thu được các hộ chủ yếu sử dụng cho chăn nuôi của gia đình.

“Trên cơ sở kết quả thu được, trong những vụ tiếp theo, HTX sẽ đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp, nông trường, trang trại chăn nuôi gia súc để mở rộng diện tích, tăng thêm thu nhập cho người dân” bà Hoa chia sẻ.

Ông Nguyễn Quốc Túy, đội 4, thôn Cổ Đô cho biết: Gia đình ông trồng 2,5 mẫu ngô sinh khối VN172, đầu vụ mưa nhiều, những tưởng hỏng ăn, không ngờ khi thời tiết ổn định trở lại cây ngô đã nhanh chóng hồi phục và phát triển rất tốt. Khoảng 15 ngày nữa gia đình ông sẽ thu hoạch, toàn bộ ngô sẽ được ủ chua làm thức ăn cho bò sữa đến tháng 4 năm sau.

“Giống VN172 trồng được mật độ cao, độ đồng đều tốt, những bệnh thông thường như nấm mốc trên các bẹ lá hầu như không có, sản lượng chắc chắn sẽ cao hơn các giống ngô thông thường”. Ông Túy khẳng định.

Cán bộ Viện Nghiên cứu ngô kiểm tra tốc độ phát triển của cây, đưa ra khuyến cáo cho người dân trước khi bước vào giai đoạn thu hoach. Ảnh: Trung Quân.

Cán bộ Viện Nghiên cứu ngô kiểm tra tốc độ phát triển của cây, đưa ra khuyến cáo cho người dân trước khi bước vào giai đoạn thu hoach. Ảnh: Trung Quân.

Ông Túy cũng bày tỏ mong muốn, các cơ quan quản lý các cấp, nhà khoa học, doanh nghiệp có những chính sách cụ thể để hỗ trợ người dân phát triển trồng ngô sinh khối. Chính quyền địa phương cần xây dựng quy hoạch, vùng trồng tập trung để người dân thuận lợi áp dụng cơ giới hóa. Nhà khoa học cung cấp kiến thức, đồng hành với người dân tháo gỡ những vướng mắc về kỹ thuật, phòng chống dịch hại… Doanh nghiệp tạo cơ chế liên doanh, liên kết chặt chẽ với người dân trong sản xuất và bao tiêu sản phẩm.

Trích Báo Nông Nghiệp

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *