Thu hút doanh nghiệp sản xuất chè công nghệ cao

watermark tap trung san xuat che cong nghe cao 1431 20220217 127 154045

Lâm Đồng sẽ xây dựng vùng sản xuất chè công nghệ cao tại TP Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm, thúc đẩy liên kết giữa vùng nguyên liệu và doanh nghiệp chế biến chè.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh Lâm Đồng, toàn tỉnh hiện có khoảng 11,2 nghìn ha chè, trong đó diện tích chè kinh doanh là 11,1 nghìn ha với năng suất bình quân đạt 14 tấn/ha; sản lượng đạt 160 nghìn tấn. Diện tích sản xuất chè của tỉnh tập trung chủ yếu tại huyện Bảo Lâm; Thành phố Bảo Lộc và một số huyện, thành phố khác của tỉnh.

Ông Hà Ngọc Chiến, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Lâm Đồng chi biết, hiện nay, địa phương đã hình thành 14 chuỗi liên kết sản xuất chè với 337 hộ dân tham gia và tỉ lệ chè tiêu thụ thông qua chuỗi liên kết đạt 3,89% tổng sản lượng.

Lâm Đồng hiện có khoảng 11,2 nghìn ha chè, trong đó chè sản xuất theo hướng áp dụng công nghệ cao khoảng 4,9 nghìn ha. Ảnh: Minh Hậu.

Lâm Đồng hiện có khoảng 11,2 nghìn ha chè, trong đó chè sản xuất theo hướng áp dụng công nghệ cao khoảng 4,9 nghìn ha. Ảnh: Minh Hậu.

Ngoài ra, địa bàn tỉnh có khoảng 155 công ty chế biến chè với công suất đạt 29 nghìn tấn/năm và 90 cơ sở chế biến chè với quy mô 17 nghìn tấn/năm. Các doanh nghiệp chế biến tập trung tại Thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc, Bảo Lâm và Lâm Hà.

Các sản phẩm chè của Lâm Đồng hiện nay chủ yếu tiêu thụ thị trường nội địa với tỉ lệ khoảng 74%, còn lại được xuất khẩu sang các thị trường như Đài Loan, Pakistan, Afganistan, Nga, Mỹ…

Để nâng cao chất lượng và giá trị chè, thời gian qua, ngành nông nghiệp Lâm Đồng đã tập trung chuyển đổi giống và khuyến khích phát triển mô hình công nghệ cao. Theo đó, diện tích chè hạt giống cũ hàng năm được các địa phương xây dựng kế hoạch chuyển đổi sang diện tích chè có năng suất, chất lượng cao gắn với các doanh nghiệp thu mua, chế biến như các giống chè TB14, Ô Long, Tứ Quý, Kim Tuyên, Ngọc Thúy.

“Cơ cấu giống chè hiện nay của địa phương khá đa dạng. Trong đó, chè cành cao sản TB14, LĐ97 chiếm 34,85%; chè chất lượng cao Kim Tuyên, Tứ Quý, Ô Long, Ngọc Thuý 44,05%; còn lại là chè hạt 21,10%”, ông Hà Ngọc Chiến cho hay.

Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Lâm Đồng, thời gian qua, việc sản xuất chè tại địa phương chịu nhiều ảnh hưởng do thị trường tiêu thụ bấp bênh, thiếu ổn định. Ngoài ra, việc xây dựng và phát triển thương hiệu chè Lâm Đồng đã được triển khai nhưng sức cạnh tranh còn thấp. Năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp của tỉnh còn yếu, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân trong nước với quy mô nhỏ, hạn chế về nguồn lực nên khó đầu tư về công nghệ và mở rộng thị trường xuất khẩu.

Để ngành chè phát triển, tỉnh Lâm Đồng đang tập trung rà soát, quy hoạch lại diện tích và khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu riêng để nâng cao năng suất, chất lượng.

Đồng thời, xây dựng vùng sản xuất chè ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao tại TP Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm để nâng cao giá trị, thương hiệu sản phẩm.

Trong thời gian tới, tỉnh Lâm Đồng sẽ đưa các giống chè năng suất cao, chất lượng tốt, phù hợp với điều kiện sinh thái của địa phương vào sản xuất đại trà. Ảnh: Minh Hậu.

Trong thời gian tới, tỉnh Lâm Đồng sẽ đưa các giống chè năng suất cao, chất lượng tốt, phù hợp với điều kiện sinh thái của địa phương vào sản xuất đại trà. Ảnh: Minh Hậu.

“Chúng tôi cũng tăng cường công tác nghiên cứu, khảo nghiệm các loại thuốc BVTV thế hệ mới, thuốc sinh học có khả năng phòng trừ các loại sâu bệnh hại chè để nâng cao chất lượng nguyên liệu. Cùng với đó, đào tạo cho đội ngũ khuyến nông nhằm chuyển giao tiến bộ kỹ thuật sản xuất chè an toàn theo hướng GAP, tiến tới sản xuất chè hữu cơ, tạo ra bước đột phá cho ngành chè”, ông Hà Ngọc Chiến chia sẻ.

Ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng cũng đẩy mạnh các hoạt động phát triển thương hiệu chè B’Lao Lâm Đồng. Thực hiện cùng lúc việc giữ vững thị trường truyền thống với việc tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu.

Ngoài ra, để tiếp cận thị trường, tỉnh Lâm Đồng tăng cường đổi mới dây truyền và công nghệ chế biến nhằm bảo đảm chất lượng sản phẩm. Tìm hiểu khẩu vị, thị hiếu của người tiêu dùng để tập trung sản xuất các sản phẩm thích ứng. Tỉnh này cũng hướng đến tổ chức sản xuất các loại chè cao cấp có sức cạnh tranh cao như: Chè ướp hương hoa quả, các loại nước chè đóng hộp, các loại chè thuốc, chè thảo mộc…

Tỉnh sẽ đưa các giống chè năng suất cao, chất lượng tốt, phù hợp với điều kiện sinh thái của địa phương vào sản xuất đại trà. Đồng thời hướng dẫn nông dân áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đặc biệt là về cơ cấu giống mới, thu hái, sơ chế, tiến tới đầu tư sản xuất các sản phẩm có chứng nhận, đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Cùng với đó, xây dựng và duy trì phát triển các liên kết giữa doanh nghiệp chế biến với người trồng chè.

Lâm Đồng hiện có 155 công ty chế biến chè với công suất 29 nghìn tấn/năm và 90 cơ sở chế biến chè với quy mô 17,4 nghìn tấn/năm. Trong đó có 6 công ty, cơ sở chế biến chè áp dụng hệ thống quản lý theo ISO và 1 cơ sở áp dụng hệ thống quản lý theo HACCP. Với công suất chế biến như hiện nay, nguyên liệu không đáp ứng được công suất chế biến do diện tích và sản lượng chè giảm mạnh.

Thời gian qua, do thiếu hụt nguyên liệu hoặc sản phẩm sau chế biến không tiêu thụ được ra thị trường do không cạnh tranh được giá nên nhiều doanh nghiệp, cơ sở đã ngưng hoạt động.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *