Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Phải đi đến tận cùng câu chuyện cơ giới hóa

anh 2 1806 20220825 914 185749

Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị các cơ quan trực thuộc Bộ, ngành nông nghiệp các địa phương vùng ĐBSCL để không bỏ câu chuyện cơ giới hóa nửa chừng, mà đi đến cùng.

Ảnh 1

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho biết, ngành nông nghiệp có 3 đặc điểm chính, nếu không hiểu được sẽ rất khó vận hành và xây dựng chiến lược. Ảnh: Kim Anh.

Sau sự kiện Cơ giới hóa Nông nghiệp Châu Á (Agritechnica Asia Live 2022), Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan có buổi làm việc với lãnh đạo các Sở NN-PTNT vùng ĐBSCL và một số cơ quan chuyên môn vào chiều 25/8.

Bộ trưởng cho rằng, hiện nay còn rất nhiều câu chuyện xoay quanh vấn đề cơ giới hóa đồng bộ. Như lời ông Hoàng Văn Hồng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, hiện nay ngành hàng lúa gạo đang thực hiện cơ giới hóa tốt nhất. Ngành hàng này cũng cơ bản thuận lợi hơn ở ĐBSCL nhờ diện tích lớn. Đặc biệt là giúp nông dân giảm được lượng giống gieo sạ khoảng 50%.

Tuy nhiên, phương pháp gieo sạ bằng máy bay không người lái (thiết bị drone) vẫn cần phải thử nghiệm để đưa ra kết luận trong thời gian tới. Hơn nữa, để nông dân có thể đầu tư thiết bị drone vẫn còn nhiều khó khăn, bởi chi phí cao, nếu tập hợp được một nhóm từ 15-20 nông dân cùng mua một máy, sẽ giúp nông dân tiến dần hơn với thiết bị này.

Ảnh 2

Cơ giới hóa giúp nông dân giảm được lượng giống gieo sạ khoảng 50%. Ảnh: Kim Anh.

Hay theo quan điểm của ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), các khâu cơ giới hóa trong sản xuất hiện nay không đồng đều. Máy móc nhiều nhưng không đồng bộ nên chi phí sản xuất không giảm và lợi nhuận không tăng. Vì vậy giải pháp ngắn là hình thành trung tâm dịch vụ ở các huyện, mỗi trung tâm cần đầu tư khoảng 10 tỷ đồng. Còn giải pháp dài hơi là hình thành Trung tâm cơ giới của vùng.

“Có trung tâm dịch vụ mới nghĩ tới việc đào tạo nguồn nhân lực, làm dịch vụ và bảo trì máy móc”, ông Tùng phân tích.

Vấn đề trăn trở nhất của người đứng đầu ngành nông nghiệp là làm sao để cơ giới hóa, những công nghệ, thiết bị, phát huy được tác dụng tới nông dân, HTX. “Thiết bị có thể mua được, công nghệ mua được, nếu không tự chế ra được thì mua nhưng làm sao để nó phát huy hiệu quả. Nếu hết chuỗi cơ giới hóa này, còn gì để tăng thu nhập cho người nông dân nữa, đó là vấn đề cần suy nghĩ, mở rộng suy nghĩ”, Bộ trưởng băn khoăn.

Như mô hình cánh đồng lớn nhưng tư duy vẫn manh mún, nhỏ lẻ, chỉ lớn về diện tích, mỗi người sản xuất một loại giống… Do vậy, khó xây dựng được thương hiệu. Vì vậy, vấn đề tổ chức lại sản xuất là khởi đầu cho cả một vấn đề về sau và đây cũng là điểm khó nhất. Và nếu không tháo gỡ được sẽ rất khó, đây là trách nhiệm của lãnh đạo các địa phương… Bên cạnh chuỗi sự kiện cơ giới hóa đồng bộ, còn phải có loạt giải pháp mới phát huy được hiệu quả.

Ảnh 3

“Thiết bị có thể mua được, công nghệ mua được nhưng làm sao để nó phát huy hiệu quả”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan băn khoăn. Ảnh: Kim Anh.

Người đứng đầu ngành nông nghiệp nhấn mạnh, cần cơ chế nhưng ngành nông nghiệp các địa phương cần phải nghĩ một cơ chế, chính sách khác. Càng liệt kê ra, càng không đi được đến đâu, càng làm lớn quá cũng không đi đến đâu. Do vậy, hãy làm từ từ, để nâng giá trị lên và lan tỏa.

Bộ trưởng đề nghị các cơ quan trực thuộc Bộ, ngành nông nghiệp các địa phương vùng ĐBSCL cùng suy nghĩ “cần làm gì nữa” để giúp cho Bộ, để không bỏ câu chuyện cơ giới hóa nửa chừng, mà đi đến cùng.

Bộ trưởng thông tin, hiện nay Bộ đang thực hiện một số chính sách để hỗ trợ cho nông nghiệp, nông dân. Để đề xuất được chính sách không phải là vấn đề đơn giản, phải suy nghĩ một cách nghiêm túc. Tâm huyết hơn, Bộ trưởng khẳng định làm trong ngành nông nghiệp, phải hiểu được đặc điểm của ngành nông nghiệp. Theo Bộ trưởng, ngành nông nghiệp có 3 đặc điểm chính, nếu không hiểu được sẽ rất khó vận hành và xây dựng chiến lược.

Ảnh 4

Khi xây dựng một chiến lược, kế hoạch, các địa phương vùng ĐBSCL cần suy nghĩ làm sao để hiện thực hóa. Ảnh: Kim Anh.

Đầu tiên là chiến lược, kế hoạch, quy hoạch từ trên nhưng thực hiện từ dưới. Ngành nông nghiệp quy hoạch vùng trồng, vùng nuôi hay quy hoạch chiến lược cơ giới hóa, nhưng thực tế là nông dân, HTX thực hiện, nông dân là người đặt hạt giống xuống.

Kế đến là nền nông nghiệp đang vận hành theo cơ chế kinh tế thị trường, thị trường có sức mạnh tự điều chỉnh, đến một thời điểm nào đó sẽ cân bằng. Bộ NN-PTNT với vai trò tác động, chứ không thể chỉ đạo thị trường.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, nông nghiệp là lĩnh vực vừa xuất khẩu vừa nhập khẩu. Ngành nông nghiệp hay bà con nông dân không quyết định được, vì không phải “một mình một chợ”, thực tế hiện nay ngành hàng lúa gạo Việt Nam đang phải cạnh tranh gay gắt với gạo Thái Lan và Ấn Độ. Trên cơ sở đó, Bộ trưởng cho rằng, khi xây dựng một chiến lược, kế hoạch, các địa phương vùng ĐBSCL cần suy nghĩ làm sao để hiện thực hóa. Tư duy và hành động của các địa phương cũng phải thay đổi, nắm vai trò dẫn dắt, thu hút cơ chế chính sách để kích hoạt nên chuỗi giá trị.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *